Trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hết tháng 10/2017, có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngay trong hội nghị APEC có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí.
“Về nguyên tắc, không có hệ thống nào an toàn lâu dài. Vì vậy, công tác an ninh phải được thường xuyên thực hiện.
Có 41% cơ quan tổ chức, không thực hiện việc kiểm tra đánh giá rủi ro về an toàn thông tin cho nên không phát hiện được nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống. Đây là ý thức của các cơ quan tổ chức. Thứ hai nữa, 51% cơ quan tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn, phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố. 73% cơ quan tổ chức chưa triển khai áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định. quy chuẩn an ninh thông tin mạng trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, nguyên nhân do nhận thức đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Nhận thức phải xác định được đảm bảo an toàn thông tin mạng là trách nhiệm của tất cả mọi người, của các tổ chức và cả hệ thống chính trị. Mỗi người phải tự bảo đảm an toàn thông tin cho mình.
Thứ 2, nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng. Cơ quan nhà nước còn gặp nhiều khó khăn về việc thu hút các chuyên gia giỏi về an toàn thông tin vào làm việc. Do chế độ thu nhập, đãi ngộ rất hạn chế.
Thứ 3, nguồn lực đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn thông tin về nhân lực, tài chính còn hạn chế, thường bị cắt giảm.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, thời gian qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt một số đề án lớn như tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, đào tạo nhân lực, thí điểm cơ chế đặc thù về tài chính…Hướng dẫn hỗ trợ các chủ quản của hệ thống khi có sự cố tấn công mạng.
Hải Ninh