Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có 33 cán bộ hải quan bị xử lý kỷ luật.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt xuất phát từ thực trạng thời gian qua đã có công chức hải quan nhận tiền của doanh nghiệp, gây bức xúc dư luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình vừa có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề này.
Theo đó, ông Bình cho biết, Tổng cục Hải quan xác định, với đặc thù công việc cán bộ công chức luôn tiếp xúc với nhiều thành phần kinh tế, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, thu nộp thuế, phí, lệ phí và những mặt trái của cơ chế thị trường, do đó không ít đối tượng đã tìm mọi cách lợi dụng mua chuộc, câu móc với cán bộ hải quan để gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế…
"Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia… những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt, công khai, minh bạch với nhiều giải pháp đồng bộ cả "xây và chống", gắn kết chặt chẽ với xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại", ông Bình cho biết.
|
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. |
Cũng theo lãnh đạo ngành hải quan, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã chủ động kiểm tra, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, công khai những trường hợp công chức hải quan vi phạm pháp luật.
Năm 2017, số công chức viên chức bị xử lý kỷ luật trong ngành Hải quan là 69 người, còn tính từ đầu năm 2018 đến tháng 5 có 33 trường hợp bị kỷ luật.
"Quan điểm của Tổng cục Hải quan là chủ động phòng, chống, ngăn chặn vi phạm, tiêu cực của cán bộ công chức. Trong trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng đối với những cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù là cán bộ ở cấp nào", ông Bình khẳng định.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, đơn vị này đang tiếp tục xây dựng dự thảo "Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan", văn bản quan trọng có tác động, điều chỉnh toàn bộ hành vi của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành hải quan khi thực thi công vụ.
Quy chế này khi được ban hành sẽ cụ thể hóa các quy định của pháp luật, đảm bảo thuận lợi cho việc thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật và phòng, chống tiêu cực trong ngành hải quan.
So với các quyết định trước đây, ông Bình cho biết, quy chế này sẽ định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là đi kèm các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc, trong đó quy định quy trình kiểm tra hoạt động công vụ.
"Đặc biệt, tại Chương 3 của Quy chế quy định chi tiết từng hành vi vi phạm của công chức hải quan từ tư thế, tác phong, lễ tiết đến hoạt động nghiệp vụ hải quan. Từ đó, tùy theo tính chất mức độ, quy chế cũng quy định chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm tương ứng", ông Bình cho biết.
Theo Duyên Duyên/Vneconomy