35 năm sự kiện Gạc Ma: Từ đất liền hướng về Gạc Ma

Google News

Ngày 14/3/2023 là tròn 35 năm kể từ khi xảy ra sự kiện bi tráng Gạc Ma và sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

35 năm trôi qua nhưng ký ức bi tráng về các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma không thể xóa nhòa, đó là một phần lịch sử không thể nào quên và không ai được quên. Những người lính năm ấy ra Gạc Ma và may mắn trở về, những thế hệ trẻ tiếp bước cha anh làm nhiệm vụ giữ biển đảo và người dân Việt Nam luôn nhớ về sự kiện Gạc Ma, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người lính hy sinh cho Tổ Quốc trường tồn.
Cụ ông Hoàng Nhỏ, ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là cha liệt sĩ Hoàng Văn Túy, hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Cụ vừa qua đời vào Mùng 9 Tết Quý Mão vừa qua. Mấy chục năm qua, dù cực khổ hay khấm khá thì đến ngày giỗ con mình- liệt sĩ Hoàng Văn Túy, cụ Nhỏ cũng làm mâm cơm đầy đủ, đưa ra bờ biển vái vọng 64 liệt sĩ Gạc Ma. Nay cụ vừa mất ở tuổi 95 do tuổi già sức yếu, việc giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma vẫn được các con cháu của cụ thực hiện.
Lúc còn sống, cụ Nhỏ luôn căn dặn con cháu giữ gìn và thực hiện việc này hàng năm, không bao giờ được quên. Vào các năm chẵn như 5 năm, 10 năm ngày mất, gia đình cụ Nhỏ ra biển bày mâm cơm vái vọng liệt sĩ Hoàng Văn Túy và 63 đồng đội của con trai hy sinh tại Gạc Ma.
35 nam su kien Gac Ma: Tu dat lien huong ve Gac Ma
Cụ Hoàng Nhỏ đã qua đời, việc giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma vẫn được các con cháu của cụ thực hiện.
Bà Hoàng Thị Loàn, 60 tuổi, con gái cụ Hoàng Nhỏ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh tâm sự, ngày các liệt sĩ hy sinh 14/3/1988 nhằm ngày 27 Tháng Giêng nên gia đình chọn ngày âm lịch để làm giỗ, còn ngày 14/3 dương lịch hàng năm, gia đình thắp hương vái vọng. Năm nay, bố đã mất nhưng bà và con cháu lo chu toàn mâm giỗ 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma.
Mâm cúng đặc biệt khi trên bàn có đúng 64 cái bát và 64 đôi đũa. Theo bà Hoàng Thị Loàn, sự hy sinh của em trai Hoàng Văn Túy cùng 63 liệt sĩ là nỗi đau mất mát rất lớn. Nhưng cũng chính sự hy sinh này trở thành niềm tự hào truyền thống cách mạng, gia đình luôn dạy bảo con cháu không được quên sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.
"Gia đình cứ truyền lại, nối tiếp cho các thế hệ sau về câu chuyện Gạc Ma, về người bác đi bộ đội ra đảo Trường Sa, ra Gạc Ma rồi bị chiếm đảo và hy sinh ngoài đảo. Rồi sau này hết thế hệ mình thì có con, cháu theo ngày tháng này để tổ chức ngày giỗ, tưởng niệm ngày hải chiến Gạc Ma” - bà Hoàng Thị Loàn chia sẻ.
Còn nhớ năm 1988, hơn 300 người lính quê ở tỉnh Quảng Bình lên đường làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, 13 chiến sĩ hy sinh trong hải chiến Gạc Ma. Cứ đến ngày 14/3 hàng năm, các gia đình đều làm mâm giỗ cúng vọng 64 liệt sĩ, chính quyền địa phương cũng thăm hỏi động viên, tri ân các gia đình liệt sĩ trong những ngày này.
35 nam su kien Gac Ma: Tu dat lien huong ve Gac Ma-Hinh-2
Cựu binh Gạc Ma kết những bè hoa thả bên bờ biển tưởng nhớ đồng đội hy sinh.
Ông Nguyễn Văn Thống, ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình năm đó đã cùng bao đồng đội ra xây dựng đảo Gạc Ma. Ông Thống cũng là một trong số ít người trở về sau trận chiến không cân sức năm ấy. Đã 35 năm trôi qua nhưng ký ức về trận chiến ngoan cường trên đảo Gạc Ma luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Đó là một phần lịch sử không thể nào quên và không ai được quên.
Hàng năm, gần đến ngày 14/3, những cựu binh Gạc Ma, thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma tổ chức các hoạt động tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Năm nay, ông Thống cùng nhiều cựu binh Gạc Ma trở về bãi biển Thiên Cầm ở tỉnh Hà Tĩnh cùng nhau ôn lại những giây phút hào hùng, lần lượt gọi tên 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988, thắp nén hương thơm, kết bè hoa tươi thả ra biển, vái vọng về hướng Trường Sa thân yêu. Lễ tưởng niệm có nghi thức tế lễ, vái vọng 64 liệt sĩ Gạc Ma, buổi tối tổ chức thả hoa đăng tại bãi biển.
Đôi mắt ông Nguyễn Văn Thống rưng rưng khi nhớ về 64 đồng đội của ông đã hy sinh. Dù đã 35 năm trôi qua nhưng hình bóng đồng đội luôn gần gũi bên ông. Theo ông Nguyễn Văn Thống, tri ân các liệt sĩ Gạc Ma là hoạt động hướng về nguồn cội, viết tiếp tương lai, nối tiếp truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp hàng nghìn năm, đặc biệt tiếp thêm tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc đến các thế hệ người dân Việt Nam.
“Anh em đồng đội thành lập Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma. Hàng năm gặp gỡ, làm lễ thả hoa đăng, tưởng niệm, đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương. Làm lễ để tri ân, tưởng niệm, mãi nhớ đến những ngày tháng đau thương, nhớ đến những đồng đội của mình đã hy sinh. Nếu không tổ chức lớn được thì tổ chức nhỏ, mong muốn làm sao để con em thế hệ sau này biết đến ngày tháng bi hùng đó, bộ đội Hải quân hy sinh để giữ đảo, để các thế hệ hiểu được” - ông Nguyễn Văn Thống nói.
35 nam su kien Gac Ma: Tu dat lien huong ve Gac Ma-Hinh-3
Thả hoa đăng tri ân 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma bên bờ biển Thiên Cầm,tỉnh Hà Tĩnh.
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông Phan Xuân Dạch, năm nay tròn 80 tuổi, ở xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có hơn 10 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa. Ông Phan Xuân Dạch nguyên là Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, nguyên Chính ủy Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Đây là 2 đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Quần đảo Trường Sa.
Với ông, chiến dịch CQ 88, sự kiện trên đảo đá Gạc Ma mãi là ký ức không bao giờ quên. Trong số những người lính đảo, đồng đội của ông Dạch đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma, có 13 người là đồng hương Quảng Bình. Trong những người này có Thiếu úy Trần Văn Phương trước lúc hy sinh vẫn giữ chặt lá cờ Tổ Quốc và hô lớn: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ Quốc và truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Trước khi lên đường ra Gạc Ma, Thiếu úy Phương tìm gặp để chào Thủ trưởng Phan Xuân Dạch. Nào ngờ đó là lần cuối cùng ông Dạch gặp người đồng hương mà ông luôn quý mến. Ông Phan Xuân Dạch cho biết, ông và những người lính Trường Sa ngày ấy vẫn thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu, ôn lại quá khứ hào hùng một thời và đặc biệt hơn là để tưởng nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
“Đồng chí Trần Văn Phương là người đồng hương, trước lúc đi đảo, khi nhận được nhiệm vụ thì có lên phòng tôi, nói “Chào bác, cháu đi”, tình cảm hết sức thân thương và rất tình cảm, có thể nói như là người con của mình, rưng rưng nước mắt. Ra chiến trận rồi hy sinh, nghe tin Phương mất và cùng nhiều đồng đội mất ở ngoài đảo, mình thương tất cả anh em lắm. Đặc biệt đồng chí Phương, không ngờ trước lúc ra đi thì gặp nhau mà lại là lần gặp gỡ cuối cùng” - Phan Xuân Dạch nói.
35 năm trôi qua, sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 mãi là vết hằn đau thương nhưng bi tráng. 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam dũng cảm kết thành vòng tròn bất tử quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương sẽ là tượng đài truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ người lính mai sau trên hành trình giữ đảo, hy sinh cho Tổ Quốc trường tồn./.
Theo Thanh Hiếu/VOV- miền Trung