4 người được Tòa án ND Tối cao dự kiến dựng tượng là ai?

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài việc quyết định chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý, Toàn án Nhân dân Tối cao dự kiến sẽ có 4 cố Chánh án TAND Tối cao được dựng tượng bán thân đặt trong khuôn viên trụ sở mới.

Thông tin từ Văn phòng TAND Tối cao cho biết, ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao, số 43 Hai Bà Trưng (Hà Nội), còn xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án TAND Tối cao.
4 cố Chánh án TAND Tối cao được dựng tượng là các ông Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).
Dự kiến, tượng các cố Chánh án TAND Tối cao được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối), chân đế tượng được làm bằng đá tự nhiên. Kích thước tượng dự kiến cao 2,2m. 
Cố Chánh án Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959)
Ông Trần Công Tường (sinh năm 1915 và mất 1990) là con thứ tư của cụ Trần Công Kỉnh, hương cả làng Vĩnh Thạnh, tổng Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) trong những năm 1920.
Năm 1936, ông Trần Công Tường ra Hà Nội học trường Luật, chung một lớp với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thấy Trần Công Tường là người Nam bộ, thông minh, yêu nước, có tư tưởng tiến bộ, dần dần ông Võ Nguyên Giáp kết thân và cho biết mình vừa học Luật, vừa dạy học ở trường tư Thăng Long, là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và đang hoạt động cho Đảng. Theo hướng dẫn của Võ Nguyên Giáp, Trần Công Tường tham gia vào các hoạt động của Đảng.
Ban đầu, Trần Công Tường hoạt động trong giới sinh viên và viết báo Le Travail của Đảng. Năm 1937, khi trở về Sài Gòn, Trần Công Tường tham gia nhóm trí thức tiến bộ Văn Lang do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chủ trương.
Những năm 1937-1940, Trần Công Tường học đại học văn học và chính trị tại Paris. Trong những năm 1940-1945, luật sư Trần Công Tường đã tích cực bênh vực quyền lợi của các chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước tại các tòa án ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Đà Lạt, Vĩnh Long, Đà Nẵng…
4 nguoi duoc Toa an ND Toi cao du kien dung tuong la ai?
Cố Chánh án TAND Tối cao Trần Công Tường (ảnh tư liệu) 
Năm 1945, luật sư Trần Công Tường tham gia phong trào Thanh niên Tiền Phong ở Nam bộ, làm Chủ tịch Hội Trí thức và Công chức cứu quốc Nam bộ. Trong Cách mạng Tháng 8/1945, luật sư Trần Công Tường đã tiếp thu các cơ sở tư pháp tại Sài Gòn, được cách mạng cử làm Giám đốc Tư pháp Nam bộ và Tổng Chưởng lý Nam bộ. Sau ngày 23/9/1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ.
Ngày 6/1/1946, cùng với nhà cách mạng Nguyễn Văn Côn, luật sư Trần Công Tường được bầu làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Gò Công và được Trung ương triệu tập ra Hà Nội làm việc. Tháng 6/1946, ông được kết nạp Đảng và được cử làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Tư pháp.
Tháng 11/1946, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, tham gia các đoàn đàm phán với phái đoàn Pháp tại Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, luật sư Trần Công Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao nhiều trọng trách trong các hội nghị quốc tế. Ông là thành viên đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, phụ trách phần chính trị, soạn dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị.
Năm 1961-1962, ông là ủy viên Đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào. Năm 1968-1972, ông là ủy viên Đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Hội nghị Paris về Việt Nam.
Ông là đại diện của Việt Nam tham gia các hội nghị của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế và Hội nghị Luật gia thế giới về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của các luật gia trên thế giới ủng hộ cho chính nghĩa Việt Nam.
Từ năm 1972-1980, luật sư Trần Công Tường là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Bộ trưởng. Từ khi nghỉ hưu (năm 1980) đến khi qua đời (năm 1990), ông vẫn làm việc, nghiên cứu và động viên các con làm việc và tiếp tục học tập. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất.
Cố Chánh án Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981)
Ông Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910 tại Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 18 tuổi, Phạm Văn Bạch được gia đình cho đi du học tại khoa Luật Trường Đại học Lyon-Pháp. Năm 22 tuổi, Phạm Văn Bạch đỗ Cử nhân Luật và Cử nhân Triết học. Năm 1936, ông đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết - giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”.
Năm 1936, sau khi đỗ Tiến sĩ Luật học tại Trường Đại học Lyon, ông về Việt Nam, hành nghề luật sư và dạy học ở thành phố Cần Thơ. Ông liên lạc với các tổ chức kháng chiến đóng trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.
4 nguoi duoc Toa an ND Toi cao du kien dung tuong la ai?-Hinh-2
Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch tiếp Chánh án TATC Liên Xô (cũ) nhân đoàn sang thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Mùa thu năm 1945, ông Phạm Văn Bạch là một trong những nhân vật chủ chốt được Tỉnh ủy giao lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. TS Phạm Văn Bạch được cử giữ chức Chủ tịch UBND lâm thời và sau đó là đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
Tháng 9/1945 ông Hoàng Quốc Việt, đại diện Trung ương Đảng cùng đại diện Xứ ủy Nam bộ mời ông lên Sài Gòn và giao trọng trách Chủ tịch UBND cách mạng Nam bộ, trên cơ sở quyết định nhất trí của Mặt trận Việt Minh. Ông ra Bắc giữ cương vị Chánh án TAND Tối cao từ khi thành lập, năm 1959 đến khi nghỉ hưu năm 1981. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (từ 1946 đến 1981).
Với cương vị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao từ ngày đầu thành lập “vạn sự khởi đầu nan”, ông đã đặt những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng vững chắc cho TAND Tối cao trưởng thành. Là một nhà luật học uyên thâm, Phạm Văn Bạch đã có những đóng góp to lớn đối với việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật Việt Nam.
Từ năm 1955, TS Phạm Văn Bạch liên tục được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ủy viên Ban pháp chế Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Viện trưởng Viện Luật học, Phó chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới…
Từ tháng 5 năm 1983 ông là thành viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được bổ nhiệm chức vụ thành viên Đoàn Chủ tịch.
Ông mất ngày 8/3/1986 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi.
Cố Chánh án Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997)
Ông Phạm Hưng (sinh năm 1927 và mất 2018), tên thật: Bùi Văn Tường, xuất thân từ nông dân, vào Đảng từ năm 1946. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, khởi đầu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thôn Đặng Xá, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên, quê hương ông).
Tháng 5/1948 đến tháng 1/1949, ông làm Phó Bí thư Huyện ủy, Bí thư huyện bộ Việt Minh huyện Tiên Lữ và lần lượt giữ nhiều cương vị khác cao hơn ở địa phương như Bí thư Huyện ủy Phủ Cừ, Chính trị viên Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Hưng Yên, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn…
Ông chuyển sang làm công tác pháp luật từ 1958 đến 1960 với nhiệm vụ là cán bộ Viện Công tố Trung ương, rồi Công tố viên Viện Công tố Hải Phòng. Sau đó, từ tháng 2/1960 đến tháng 10/1963 ông làm Thẩm phán, Phó Chánh án, Chánh án TAND TP Hải Phòng.
Tháng 11/1963 đến tháng 6/1965, ông đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Từ 1965 đến 1976, ông làm Chánh án TAND TP Hải Phòng, sau đó làm Thẩm phán, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho đến tháng 7/1981, ông giữ cương vị Chánh án TAND Tối cao.
4 nguoi duoc Toa an ND Toi cao du kien dung tuong la ai?-Hinh-3
Chánh án CHDC Đức Heinrich Toep Litz đón chào Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng tại Đức năm 1983 (ảnh Internet)
Chánh án Phạm Hưng là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII; Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND Tối cao, đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX.
Chánh án Phạm Hưng sau khi thôi chức vụ Chánh án TAND Tối cao đã tiếp tục công tác pháp luật. Từ ngày 1/6/1998 đến tháng 3/1999 ông làm cố vấn pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước. Từ tháng 4/1999 đến tháng 4/2004 ông làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Với công lao và đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, Chánh án Phạm Hưng đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Ông mất ngày 4/2/2018 (tức ngày 19 tháng 12 năm Đinh Dậu) tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 91 tuổi.
Cố Chánh án Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002)
Ông Trịnh Hồng Dương (sinh năm 1938 và mất 2008) sinh tại thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; quê quán xã Ðức Tùng, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ tháng 7/1962 đến tháng 7/1967: Ông Trịnh Hồng Dương là cán bộ giảng dạy Trường Cán bộ tòa án; Từ tháng 8/1967 đến tháng 12/1975, là cán bộ nghiên cứu của Tòa hình sự 2 và Vụ Nghiên cứu pháp luật thuộc Tòa án Nhân dân tối cao.
Từ tháng 1/1976 đến tháng 9/1981: Ông học ngoại ngữ tại Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội và nghiên cứu sinh ở Liên Xô (trước đây). Ông Trịnh Hồng Dương được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày 4/12/1979, chính thức ngày 4/12/1980.
4 nguoi duoc Toa an ND Toi cao du kien dung tuong la ai?-Hinh-4
Cố Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương (ảnh tư liệu) 
Từ tháng 10/1981 đến tháng 9/1982: Ông Trịnh Hồng Dương công tác tại Vụ Tổng hợp thuộc Tòa án Nhân dân tối cao; Từ tháng 10/1982 đến tháng 6/1983, là Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Tháng 7/1983 đến tháng 3/1987: Ông giữ chức vụ Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và sau đó được đề bạt giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; từ tháng 4/1987 đến tháng 7/1988 là Chánh Tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao.
Từ tháng 8/1988 đến tháng 8/1997: Ông Trịnh Hồng Dương là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao; từ tháng 9/1997 đến tháng 6/2002 là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Bí thư Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao.
Ông là Ðại biểu Quốc hội khóa IX và khóa X; là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam từ năm 1988 đến năm 1996.
Tháng 4/2004, ông được về hưu và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Do có những thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc, đồng chí đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Ðộc lập hạng nhì; Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba; và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ông mất ngày 16/2/2008 (tức mồng 10 tháng giêng năm Mậu Tý) tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội.
>>> Xem thêm video: Vụ Đường Dương đánh người: Viện KSND tối cao vào cuộc

Nguồn VTC Now


Xuân Diệp