Ngày 30/8, đại diện Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An) cho biết, đơn vị này đang xem xét tiếp nhận nếu được cơ quan chức năng chuyển giao 9 cá thể hổ được giả cứu tại Nghệ An trước đó.
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, 9 cá thể hổ trên đang được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An gửi tại đây để chăm sóc một tháng sau khi bị gây mê để chuyển đến nơi ở mới, hiện chúng đã hồi phục rất tốt.
Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm hiện cũng đang nuôi hàng chục loài thú quý hiếm như tê giác, linh cẩu, linh dương sừng kiếm, hà mã, sư tử, ngựa vằn và gần 40 con hổ trắng, hổ vàng trong môi trường bán hoang dã.
|
Các cá thể hổ được giải cứu tại Nghệ An ngày 4/8. |
Nguồn tin từ Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, kinh phí nuôi 9 cá thể hổ trên tốn khoảng 20 triệu đồng/ngày, gồm chi phí thức ăn và công chăm sóc. UBND tỉnh Nghệ An đã gửi văn bản đến Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị hỗ trợ, tìm trung tâm cứu hộ, vườn thú nhận nuôi số hổ này nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo các chuyên gia về động vật hoang dã, những con hổ nuôi nhốt bị thu giữ trên không thể tái thả về môi trường tự nhiên, do hổ đã được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên.
Riêng 8 con hổ đã bị chết sau khi đưa ra khỏi chuồng nuôi của nhà dân đang được cấp đông để bảo quản vì đây là tang vật của vụ án. Sau khi vụ án kết thúc, việc xử lý số hổ chết này sẽ do tòa án quyết định.
Liên quan đến việc 9 cá thể hổ được "nương nhờ" tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm phát sinh chi phí chăm, nuôi lớn từ ngân sách địa phương, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, những con hổ này được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự, bởi vậy việc xử lý vật chứng phải do tòa án quyết định. Trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, có nghĩa vụ phối hợp với các cơ quan chức năng để chăm sóc, bảo vệ các cá thể hổ này, đảm bảo chúng khỏe mạnh an toàn.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Với đặc tính sinh trưởng và nhu cầu thực phẩm của loài động vật này thì chi phí về chăm sóc bảo quản là rất lớn. Tuy nhiên, dù lớn đến mức nào thì cũng phải chi từ nguồn chi ngân sách nhà nước để nuôi dưỡng, chăm sóc các cá thể hổ này. Bản chất của vấn đề là các cơ quan bảo vệ pháp luật đang sử dụng pháp luật để bảo vệ động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm. Bởi vậy mục tiêu cao nhất của tất cả các hoạt động này là nhằm bảo vệ, bảo tồn loài động vật này. Nếu không bảo vệ, không bảo tồn được thì vụ án này cũng không mang nhiều ý nghĩa.
"Cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp với chính quyền địa phương để có nguồn kinh phí và có cán bộ có chuyên môn, có nơi nuôi dưỡng đàn bảo an toàn cho các cá thể hổ này trong thời gian chờ tòa án giải quyết" - luật sư Cường bày tỏ.
Theo luật sư Cường, các cá thể hổ này sẽ được các chuyên gia về động vật hoang dã phân tích, đánh giá xem có thả về tự nhiên được hay không. Nếu có thể thả về tự nhiên thì có thể thả ngay hay phải có một quá trình tập làm quen với môi trường hoang dã trước khi thả về tự nhiên. Trường hợp không thể thả về tự nhiên thì phải bàn giao cho các vườn bách thú, các cơ sở của nhà nước chứ không thể giao cho doanh nghiệp quản lý được (vì đây là tài sản của Nhà nước). Trường hợp xử lý vật chứng theo hình thức bán đấu giá thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bán đấu giá để thu lại tiền cho nhà nước.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì tòa án có thẩm quyền xử lý vật chứng trong vụ án hình sự này và việc xử lý vật chứng sẽ là “giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Cường nhấn mạnh.
>>> Mời quý độc giả xem video: Video Công an Nghệ An tập kích cơ sở xây hầm kín, nuôi nhốt 17 cá thể hổ
Hiểu Lam - Văn Đạt