"9 thách thức chủ yếu của đất nước trong thập niên tới"

Google News

(Kiến Thức) - Sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, kinh tế nước ta đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, Thủ tướng khái quát hóa thành 9 thách thức chủ yếu của chúng ta trong thập niên tới.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành kế hoạch và đầu tư (31/12/1945-31/12/2020), ngoài khen ngợi và điểm lại 6 thành tích nổi bật của ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, Thủ tướng khái quát hóa thành 9 thách thức chủ yếu của chúng ta trong thập niên tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 9 thách thức chủ yếu của đất nước trong thập niên tới.
Một là, bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu.
Thứ hai, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại, hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu.
Thứ ba, thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông.
Thứ tư, nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.
Thứ năm, cạnh tranh giữa các đô thị trong khu vực, kể cả trong nước, trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.
Thứ sáu, nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, an ninh mạng nổi lên, có thể đặt ra nhiều thách thức hơn dự báo.
Thứ bảy, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên theo vùng miền và giữa các nhóm, đi cùng sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu.
Thứ tám, vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta.
Thứ chín, những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên tăng lên.
Thủ tướng nêu rõ, ngành kế hoạch và đầu tư vinh dự là một trong số ít ngành có bề dày lịch sử đi cùng với chiều dài lịch sử ra đời của nước Việt Nam ta. Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngành kế hoạch và đầu tư. “Câu hỏi đặt ra là tầm nhìn của ngành kế hoạch và đầu tư như thế nào vào năm 2045, vai trò, chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ như thế nào trong những thập niên tới?”. Thủ tướng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, phải là bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó, định hướng thứ nhất là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế-chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Bộ nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này? Thủ tướng nêu câu hỏi và khẳng định, đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao các danh hiệu cao quý cho các cán bộ, tập thể, đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
PV