Trong kết luận thanh tra vừa được công bố, Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/3/2019).
Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, có 94 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Thanh Hóa còn thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm như: Bằng chuyên môn không phù hợp với vị trí việc làm, thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ dành cho lãnh đạo cấp sở hoặc nghiệp vụ chuyên ngành…
Dư luận đặt câu hỏi, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm gì liên quan 94 cán bộ công chức bổ nhiệm không đủ điều kiện?
|
Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức vào các vị trí trong cơ quan nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ theo các quy định về tuyển dụng.
“Ngoài những quy định chung, đối với mỗi cơ quan, tổ chức hoặc vị trí tuyển dụng cụ thể, sẽ có những yêu cầu riêng sao cho phù hợp. Việc thiếu tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định đã đề ra nhưng vẫn có quyết định bổ nhiệm là sai quy trình. Việc sai quy trình thủ tục như vậy dẫn đến quyết định bổ nhiệm không có hiệu lực” - luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, căn cứ vào thông báo số 595/TB-TTBNV của thanh tra Bộ Nội vụ đối với vấn đề tuyển dụng công chức, xét duyệt, bổ nhiệm công chức tại tỉnh Thanh Hóa, có thể thấy được rằng mức độ vi phạm của tỉnh này ở mức khá nhiều.
“Những vi phạm này cần nhanh chóng tiến hành xử lý và khắc phục hậu quả” - luật sư Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, về mặt nguyên tắc nếu quy trình bổ nhiệm có sai phạm, không đủ điều kiện thì cần phải thu hồi quyết định bổ nhiệm, đương nhiên những người đã được bổ nhiệm cũng sẽ không được thực hiện các công việc, quyền và nghĩa vụ liên quan đến chức vụ được bổ nhiệm.
Đồng thời, luật sư Tùng cho rằng, để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong sự việc này thì cần phải tiến hành rà soát, thanh tra kỹ lưỡng hơn về quy trình và thủ tục bổ nhiệm.
“Tại sao thiếu tiêu chuẩn, điều kiện mà vẫn được bổ nhiệm? Có hay không việc lợi dung chức vụ quyền hạn của các cá nhân để lấp liếm cho sự thiếu sót các điều kiện hoặc tiêu chuẩn? Trách nhiệm trong khâu trong quá trình bổ nhiệm? Vi phạm cụ thể đến đâu sẽ xử lý đến đó” - luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Luật sư Tùng cũng cho rằng, việc để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa thì cần phải xem xét công tác chỉ đạo, quản lý của lãnh đạo.
“Lãnh đạo tỉnh cần có chỉ đạo cứng rắn để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của những sai phạm nêu trên. Đối với bản thân chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cần phải chịu trách nhiệm về những quyết định bổ nhiệm thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của mình”- luật sư Tùng cho biết.
Ông Tùng cho rằng, nếu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa biết sai, biết thiếu, biết không đủ điều kiện nhưng vẫn tiến hành bổ nhiệm thì tùy mức độ sẽ xử lý theo quy định của luật. Bên cạnh đó, nếu có việc lơ là trong công tác dẫn đến bổ nhiệm sai thì sẽ bị kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm, tùy vào hành vi sai phạm cụ thể có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Xem thêm video: Nhiều phó phòng ở Thanh Hóa mất chức do bổ nhiệm sai quy trình
Ngoài việc chỉ ra 94 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn chức danh, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm khác.
Cụ thể, hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh không được lưu giữ tại Sở Nội vụ theo phân cấp quản lý; hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức chưa đảm bảo thành phần theo quy định, nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực hiện báo cáo việc quản lý hồ sơ công chức theo quy định.
Tại thời điểm thanh tra, có 2 cơ quan, tổ chức và 9 phòng, ban chuyên môn thuộc cấp sở có số lượng cấp phó vượt quá so với quy định; 7 cơ quan, tổ chức còn sử dụng 56 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, 13 cơ quan, tổ chức sử dụng biên chế công chức và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP vượt quá so với chỉ tiêu được UBND tỉnh giao; 18 cơ quan, tổ chức sử dụng biên chế viên chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước.
Qua kiểm tra 120 hồ sơ, có 27 hồ sơ chưa đảm bảo trình tự, thủ tục tuyển dụng; 37 hồ sơ chưa đảm bảo thành phần hồ sơ; đến thời điểm thanh tra, 29 công chức được tuyển dụng chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; 3 công chức chưa được xếp ngạch, bậc lương theo quy định.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó; quản lý hồ sơ công chức.
Báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh để tiến hành rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn, thực hiện về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do địa phương ban hành theo thẩm quyền, cập nhật, sửa đổi và ban hành các văn bản mới để thay thế, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tháng 6/2012 đến nay, kịp thời phát hiện các trường hợp còn chưa đáp ứng để có kế hoạch cử đi đào tạo, bồi dưỡng, khắc phục; bố trí, sắp xếp số lượng cấp phó các phòng, ban chuyên môn thuộc cấp sở, ngành đảm bảo theo đúng quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại như đã nêu trên để có hình thức xử lý kịp thời.
Hải Ninh