Mới đây, Công an TP Đà Nẵng cho biết vừa khởi tố vụ án "Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép". Đồng thời, đã truy xét và bắt giữ 3 nghi phạm, trong đó có 2 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc, liên quan đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Công an Đà Nẵng kiểm tra trên địa bàn phát hiện 31 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở chui trong các ngôi nhà thuê của người bản địa hoặc ở khách sạn.
|
21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Quảng Nam. |
Tại Quảng Nam, ngày 18/7, Công an tỉnh này cũng phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang lưu trú tại TX Điện Bàn và đưa đi cách ly.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những thông tin trên cho thấy, hành vi của 3 nghi phạm có dấu hiệu cuả tội phạm Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép theo quy định tại Điều 348 BLHS 2015. Hành vi của 3 đối tượng xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, xét về mặt chủ quan của tội phạm, hành vi của các nghi phạm trên là lỗi cố ý vì mục đích vu lợi do họ hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
Theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định người nào vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 5-10 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội hai lần trở lên; đối với từ năm người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 7-15 năm: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Xét về mặt chủ thể phạm tội nhận thấy ở đây có chủ thể đặc biệt là người Trung Quốc mà theo khoản 2 Điều 5 BLHS có quy định về người nước ngoài phạm tội như sau: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
Dẫn chiếu Điều 5 BLHS 2015 với Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ký kết ngày 19/10/1998 thì đối với nghị phạm người Trung Quốc sẽ có thể được giải quyết theo hiệp định tương trợ tư pháp giữ hai nước và bằng con đường ngoại giao. Còn đối với 2 nghi phạm người Việt Nam sẽ bi xử lý theo pháp luật Việt Nam quy định tại Điều 348 BLHS.
“Việc khởi tố vụ án để điều tra liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép của Công an TP Đà Nẵng là cần thiết để xác định cá nhân, tổ chức nào đứng sau tổ chức cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Qua đó, cơ quan tố tụng có biện pháp xử lý hình sự để răn đe, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát và mở rộng tại Trung Quốc thì khả năng làm lây lan dịch bệnh cho công dân Việt Nam của nhóm người này là cực kỳ nguy hiểm” - luật sư Hoàng Tùng cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Ninh: Bắt 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Tâm Đức