Ai vận chuyển ma túy cũng nói không biết, công an sẽ làm gì?

Google News

Liên quan đến vụ 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, có ý kiến thắc mắc rằng ai vận chuyển ma túy cũng nói không biết thì công an sẽ làm gì?

Chiều 30-3, Trung tâm Báo chí TP HCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ thông tin về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM trả lời vấn đề liên quan đến vụ việc 4 tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines. "Có ý kiến cho rằng qua vụ việc 4 tiếp viên vậy thì ai vận chuyển ma túy cũng nói không biết để chối tội thì sao?" - một phóng viên đặt đâu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định: Tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào để che giấu hành vi, qua mặt cơ quan chức năng. Dù thủ đoạn nào thì trách nhiệm của lực lượng công an phải làm rõ hành vi, lời khai, củng cố hồ sơ, chứng cứ, diễn biến để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Cụ thể, mới đây Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng gài ma túy vào xe và nhà một cô gái bán chó cảnh để hãm hại cô ấy. Đây là bằng chứng cho thấy, việc đấu tranh với loại tội phạm này là trách nhiệm để không làm oan người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm.
Ai van chuyen ma tuy cung noi khong biet, cong an se lam gi?
Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời phóng viên.
Đối với loại tội phạm liên quan đến lừa đảo công nghệ cao, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh hiện nay có hơn 20 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao khác nhau. Khi tiền được chuyển vào tài khoản lừa đảo thì chỉ trong 10 phút tiền sẽ được chuyển nhỏ qua nhiều tài khoản khác nhau để rút và mua hàng trên các sàn thương mại điện tử ở nước ngoài. Hiện nay không ghi nhận đối tượng lừa đảo ra cây ATM để rút tiền.
"Bản thân tôi tội phạm công nghệ cao cũng gọi điện, nhắn tin lôi kéo, dụ làm việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội. Tôi trả lời rằng sao bạn không đưa cho người nhà bạn làm lấy tiền mà đưa cho tôi thì họ ngắt liên lạc. Nói như vậy để thấy rằng người dân phải hết sức cẩn thận trước những chiêu trò lừa đảo công nghệ cao trên mạng xã hội, không chuyển tiền và không chuyển mã OTP, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai kể cả xưng là kiểm sát viên, điều tra viên, nhân viên ngân hàng", thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Về vấn đề làm mái che ở tuyến đường Lê Lợi (quận 1), đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM thông tin: "Khi tái lập mặt bằng trục đường này, chúng tôi cũng có tái tạo cây xanh và đề xuất làm mái che. Việc làm mái che, chúng tôi chỉ mới nghiên cứu xin chủ trương, lấy ý kiến của các chuyên gia; với nghiên cứu làm mái che ở tuyến đường Lê Lợi (quận 1) nhằm mục đích phục vụ khách bộ hành nhưng vấn đề này cũng chỉ là mới đề xuất, xin chủ trương".
Về thông tin Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn, TP HCM tổ chức cho học sinh các lớp 6-7 đi tham quan đi ngoại khóa, mỗi học sinh đóng 400.000 đồng. Chuyến đi do nhà trường hợp tác với một công ty du lịch và công ty sẽ gởi bồi dưỡng giáo viên 10.000 đồng/mỗi học sinh.
Vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM cho biết việc cho học sinh đi ngoại khóa là thỏa thuận giữa nhà trường, phụ huynh và công ty du lịch. Đến nay, Sở đã chỉ đạo dừng việc dã ngoại để xem xét một số vấn đề liên quan.
Theo Phạm Dũng / Người Lao Động