Âm mưu Trung Quốc đưa tàu Haiyang Dizhi 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Tướng Lê Mã Lương đã chia sẻ ý kiến với báo Kiến Thức về hành động hành vi đáng lên án này.

Trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông gần khu vực Tư Chính - Vũng Mây. Lập luận của Trung Quốc để biện minh cho hành vi xâm phạm này là hoàn toàn là ngụy biện, trái luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. 
Xung quanh vấn đề trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương - nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.
* Thiếu tướng đánh giá thế nào về hoạt động thăm dò địa chất của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Hoạt động của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.
Những người Việt Nam quan tâm đến sự kiện này sẽ không lạ lẫm gì với hành động trên của Trung Quốc. Thực ra việc đưa tàu Haiyang Dizhi 8 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại đưa ra một phép thử nữa đối với Việt Nam. Những hành động trên của Trung Quốc chính là xem thái độ của Việt Nam ứng xử những chuyện nhiều người cho là nhỏ nhưng nhiều người khác lại không cho là nhỏ. Thực tế, với ý đồ nhất quán của Trung Quốc thì đây lại là câu chuyện không nhỏ... 
Am muu Trung Quoc dua tau Haiyang Dizhi 8 vao vung dac quyen kinh te cua Viet Nam?
 Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: cgs.gov.cn
Lâu nay ai cũng hiểu, Trung Quốc nhiều lần cam kết cùng Việt Nam kiểm soát các bất đồng trên biển. Thế nhưng, Bắc Kinh có những hành động trên Biển Đông ngược lại, không bao giờ thể hiện sự nhất quán. Thể hiện của Trung Quốc đối với Việt Nam khi tuyên bố rất mạnh mẽ về quan hệ với Việt Nam không đáng để có, đặc biệt là nước được coi là lớn như Trung Quốc. Trong khi đó, bản thân biển Đông đã là những gì mà thế giới biết rất rõ, hà cớ gì mà Trung Quốc phải làm vậy với Việt Nam?
* Trước hành động trên của Trung Quốc, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, ông đánh giá sao về việc ứng xử của Việt Nam trước sự việc trên?
Khi phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Như Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7/2019 khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Về việc trên, tôi đánh giá rất cao sự kiên trì và giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp lý, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng Luật pháp và Công ước Quốc tế của Việt Nam, giải quyết vấn đề trên cơ sở hòa bình giữa hai nước và khu vực và cả thế giới.
Vừa rồi tôi có làm việc với một số đồng chí tướng lĩnh bên quân đội, Quốc phòng, vốn là người lính, đã từng trải qua nên rất chia sẻ với anh em, họ gác lại mọi chuyện khác, sẵn sàng 24/24. Điều này rất đáng trân trọng, đáng hoan ngênh biểu dương với những người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và những lực lượng chấp pháp tham gia bảo vệ sự vẹn toàn của Tổ Quốc.
* Liên quan sự việc trên, mới đây, Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn các động thái đe doạ có nguy cơ gây mất ổn định trong khu vực cũng như ngưng cản trở các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông, đặc biệt là của Việt Nam, ông đánh giá thế nào về động thái của Mỹ?
Liên quan đến việc Mỹ phát đi thông cáo ngày 20/7 cho biết, Washington rất lo ngại về các báo cáo Trung Quốc gây cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực biển Đông, đặc biệt là của Việt Nam. Nước này khẳng định, các hoạt động khiêu khích nhiều lần của Trung Quốc nhắm vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các nước liên quan đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, thông cáo nhắc lại nhận định của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu năm 2019 rằng Trung Quốc đã "ngăn các nước ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD thông qua bắt nạt đe doạ".
Đồng thời, thông cáo cũng chỉ trích các động thái cải tạo và quân sự hoá các thực thể chiếm đóng trái phép của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Việc sử dụng lực lượng dân quân biển để cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác là một "hành động phá hoại hòa bình, an ninh của khu vực và kịch liệt phản đối mọi động thái cưỡng ép và doạ nạt đến từ bất cứ các bên nào đang tuyên bố chủ quyền. Yêu cầu Trung Quốc nên chấm dứt các hành vi bắt nạt và kiềm chế hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn khu vực.
Tôi cho rằng đó là hành động thiện chí của Mỹ. Ai có thể đánh giá về Mỹ và các đồng minh của Mỹ như thế nào nhưng tôi cho những lời kêu gọi trên của Mỹ rất thiện chí chứ không phải là sự mặc cả hay nói để thể hiện nọ kia. Đây là điều với chúng ta rất đáng trân trọng.
* Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc trao đổi.
Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào chồng lấn với Bãi Tư Chính của Việt Nam
Theo các quy định của Luật biển quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế, hoạt động thăm dò địa chất của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm gần như tất cả các điều khoản trong Công ước Luật biển quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam. Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Vùng biển này không tranh chấp với nước nào, và lại càng không tranh chấp với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận Phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Và Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nói nôm na là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò. Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính.
Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.
Hoạt động trái phép của các tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam trước hết là nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực giàu tiềm năng dầu khí này. Việc Trung Quốc đe dọa, ngăn cản Việt Nam và các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này là hành động vô lý và ngang ngược. Hành động này nằm trong chiến lược của Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại Biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam.
Các bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong Đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Lê Nghiêm- nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông (Theo VOV).
Hoàn toàn trái luật pháp quốc tế
Lập luận “gom” bãi Tư Chính vào cái gọi là “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS, và đặc biệt đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 bác bỏ.
Phán quyết nêu rõ không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển bị liệt vào bên trong bản đồ “đường lưỡi bò” và không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Nam Sa” để biện minh cho hành động của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển bãi Tư Chính.
Tiến sĩ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Hải Ninh (thực hiện)