"Anh em xã hội" đến đánh thanh niên đá vào đầu nữ sinh: Trượng nghĩa hay vi phạm?

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi clip thanh niên đá, đánh vào đầu nữ sinh chỉ vì va chạm giao thông được đăng tải lên mạng, nhiều "anh em xã hội" đã kéo đến tận nhà để đánh, thanh niên kia. Song, nhiều ý kiến cho rằng đó không phải hành động trượng nghĩa mà vi phạm pháp luật. 

Liên quan đến vụ nam thanh niên đá vào đầu nữ sinh chỉ vì va chạm giao thông ở Bình Dương, ngày 10/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội "cố ý gây thương tích" đối với Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ P.Tương Bình Hiệp).
Trước khi bị khởi tố bởi cơ quan chức năng, với hành vi đánh nữ sinh dã man của Lê Tấn Thành, hắn đã bị một nhóm "anh em xã hội" kéo đến tận nhà để dạy cho 1 bài học. 
Sáng 8/12, đám đông bức xúc đánh hội đồng Lê Tấn Thành.
Trong đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều người cho biết sau khi họ xem clip nữ sinh bị Thành đánh liền rất bức xúc nên đã tìm thông tin của Thành. 
Sau đó, rất nhiều người kéo đến nhà Thành. Trước khi vào nhà họ livestreams bằng điện thoại tất cả quá trình đi truy lùng và vào đánh Thành. Sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều người quan tâm đã vào theo dõi. 
Dẫu biết rằng hành động kéo đến nhà đánh Thành của nhóm "anh em xã hội" là do bức xúc với hành vi Thành gây ra với nữ sinh. Thế nhưng, cũng không thể vì bức xúc mà hành xử trái với các quy định pháp luật.
Một số ý kiến cho rằng, một số người đến dạy cho Thành 1 bài học vì bức xúc với hành vi của Thành. Tuy nhiên, một số khác lại đến vì mục đích riêng như để livestreams, "lấy số" để nổi tiếng trên mạng xã hội phục vụ mục tiêu cá nhân...
Dù mục đích có là gì đi chăng nữa, điều quan trọng nhất là khi con người ta hành xử như vậy thì ranh giới giữa hành hiệp trượng nghĩa và vi phạm pháp luật rất mong manh. 
Nhiều ý kiến cho rằng hành động của nhóm "anh em xã hội" đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ở thời đại văn minh, mọi người đều phải thượng tôn pháp luật, không thể hành xử một cách cảm tính, a dua  theo số đông bất chấp luật pháp như vậy. 
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật TNHH Trường Lộc) bày tỏ quan điểm: "Trường hợp một số thanh niên  đến nơi ở của Lê Tấn Thành hành hung là trái với quy định của pháp luật. Vì những người này không được pháp luật trao cho quyền xử lý vi phạm pháp luật..."
Thành bị nhóm anh em xã hội đến tận nhà dạy cho một bài học sau khi đánh dã man nữ sinh chỉ vì va chạm giao thông.

Luật sư Tuấn nói thêm: "Chúng ta đã, đang, tiếp tục sống trong Nhà nước pháp quyền, có nghĩa là mọi việc chúng ta hành xử phải tuân theo quy định của pháp luật. Trên thực tế rất nhiều người vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật đều có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cần có những hành vi chừng mực, không nên hành động cảm tính để từ mục đích tốt thành ra vi phạm pháp luật, chúng ta không cổ súy cho hành động côn đồ để xử côn đồ.

Đồng tình với ý kiến luật sư đồng nghiệp, luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng phòng Luật hình sự Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nhóm người tự ý xông vào nhà bắt giữ rồi hành hung Thành có thể bị xử phạt hành chính do gây mất an ninh trật tự, hoặc cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu của tội phạm.
Việc Thành được cho là "có hành vi côn đồ, hung hãn liên tiếp đánh, đạp vào mặt và đầu khiến nữ sinh bị trọng thương" thì đã có cơ quan chức năng xem xét, xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, nhóm "anh em xã hội" chỉ vì bức xúc, bất bình mà tìm đến nhà bắt giữ, hành hung Thành rồi phát tán clip “xử lý” Thành lên mạng xã hội, là hành vi sai trái. 
Để bảo vệ chính bản thân, mỗi người dân khi thấy người khác sai phạm nên thực hiện quyền tố giác tội phạm để cơ quan chức năng có thể can thiệp xử lý kịp thời.
Người dân tuyệt đối không nên tự ý hành động kiểu lấy bạo lực để trị bạo lực. Do trong một số trường hợp, hành vi ẩu đả một cách chủ quan có thể cấu thành tội phạm khiến cuộc sống của một người đáng lẽ không liên quan hoặc bị hại trở thành bị can trong một vụ án không đáng có.
Nữ sinh hoảng loạn tâm lý, khâu 10 mũi phải nghỉ học 
Danh tính nữ sinh được xác định là em V.N.K.V. (15 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Thủ Dầu Một). Gia đình đã làm đơn xin nhà trường tạm thời cho V. nghỉ học để ổn định tâm lý và sức khỏe.
V. phải khâu tới 10 mũi ở đỉnh đầu do bị thương, gia đình nghi vấn do Lê Tấn Thành dùng gậy ba khúc đánh trúng.
Nhung Băng