Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát đi lúc 21h tối ngày 2/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên khu vực tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn đang có mưa rào và dông. Trong 6-12 giờ tới mưa dông mạnh tiếp tục xảy ra trên khu vực này và mở rộng sang khu vực Hải Phòng, Bắc Giang với lượng mưa phổ biến từ 30-80mm.
Hồi 19h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,9 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
|
Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái bất ngờ xuất hiện dông lốc khiến cây đổ, nhà đổ. |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh kèm lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đêm nay (2/8) khu vực Đông Bắc sẽ có mưa vừa, mưa to, ngày mai 3/8 vùng mưa lớn sẽ mở rộng sang khu vực Việt Bắc, Tây Bắc. Đợt mưa lớn này có khả năng kéo dài đến hết ngày 4/8. Tổng lượng mưa cả đợt khoảng 100-200mm, có nơi trên 250mm. Cấp độ rủi ro cấp 1-2.
Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, mưa dông mạnh kèm lốc xoáy. Biển động. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to.
Trước đó, vào 15h chiều ngày 2/8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng đã phát thông tin cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất khu vực vùng núi phía Bắc. Thông tin cho biết, do ảnh hưởng của rìa xa phía Tây hoàn lưu cơn bão số 2 kết hợp với đới gió đông nam sau bão hoạt động mạnh, từ đêm 2/8 đến hết ngày 4/8, khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng vùng núi và trung du Bắc Bộ, phía Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to (100-200mm, có nơi trên 250mm).
Dự báo từ ngày 3-5/8/2016, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét.
Cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Do ảnh hưởng của bão số 2, chiều ngày 2/8, tại TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái bất ngờ xuất hiện dông lốc rất mạnh và kéo dài trong 30 phút đã khiến nhiều ngôi nhà, cây xay ở đây bị cuốn đổ.
Theo thông tin những người dân cung cấp, cơn dông lốc bắt đầu vào lúc khoảng hơn 4 giờ chiều này. “Mặc dù chỉ kéo dài khoảng 30 phút nhưng sức mạnh cơn lốc rất lớn. Nhiều người đang ở trong nhà hốt hoảng chạy ra ngoài vì nóc nhà bị cuốn trôi”, anh Lò Văn Hiểu kể lại.
|
Nhà bị tốc mái tại Yên Bái. |
Ở khu vực thị trấn, dọc tuyến Quốc lộ 32, nhiều cây xanh với đường kính rất lớn đổ rạp xuống đường. Nhiều ngôi nhà bằng mái tôn, biển quảng cáo cũng bị thổi tung. Anh Hiếu cũng cho biết, do trận dông lớn bất ngờ nên nhiều người không tránh kịp dẫn đến bị thương tích.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quang Minh - Chủ tịch UBND TX Nghĩa Lộ cho biết: Hiện chính quyền địa phương đang chỉ đạo khắc phục giúp một nhà dân tại xã Nghĩa Lợi bị giông lốc làm sụp đổ hoàn toàn.
“Toàn thị xã có nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối đổ khắp nơi. Hiện chưa thống kê được hết thiệt hại”, ông Minh nói.
Để ứng phó với bão số 2, chủ động đối phó với các tình huống mưa, lũ và sạt lở đất, trong công điện số : 15/CĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2, cảnh báo cho nhân dân đặc biệt các hộ dân sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, công trình đang gặp sự cố biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó. Chuẩn bị lực lượng để kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.
Kiểm tra hệ thống an toàn hồ đập; thực hiện nghiêm các quy trình vận hành và những công trình có nguy cơ bị sự cố phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm người đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá... trên các sông suối khi đang có lũ. Đặc biệt trong các ngày mưa, bão tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ trên đồi, trên nương để đề phòng sạt lở, đất, đá gây thiệt hại về người. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại liên lạc 029.3852.708; số fax 029.3855.493) để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời...
Hải Ninh