Kể về câu chuyện này, LS Vũ Văn Nho (Công ty luật Đông Nam Hải, đoàn Luật sư Tp Hà Nội) đã rất xúc động.
Nam luật sư cho biết, suốt quá trình làm nghề, anh từng chứng kiến rất nhiều bi kịch gia đình. Tuy nhiên, hiếm có trường hợp nào khiến anh bị ám ảnh đến vậy.
“Hai con người nhất mực kéo nhau ra tòa, người đàn ông 76 tuổi còn người phụ nữ 72. Họ có 4 người con, tất cả đều trưởng thành, giàu có.
Ai cũng muốn bố mẹ giảng hòa hoặc ít nhất cũng đừng kéo nhau ra tòa. Thế nhưng, sự uất hận kìm nén nhiều năm cùng giọt nước tràn ly xảy đến vào những năm cuối đời đã khiến người phụ nữ trở nên kiên quyết.
Bà nhất mực không chịu hòa giải” - LS Nho chia sẻ.
|
LS Vũ Văn Nho cho biết, suốt quá trình làm nghề, anh từng chứng kiến rất nhiều bi kịch gia đình |
Theo lời kể của luật sư, hơn 50 năm về trước, ở Hưng Hà - Thái Bình, bà Thành (người phụ nữ đòi ly hôn) là cô gái xinh đẹp, được nhiều chàng trai đến hỏi làm vợ. Bố mẹ bà Thành đã nhắm cho bà một gia đình khá giả. Thế nhưng, bà Thành lại trao tình yêu cho ông Sơn - người đàn ông mồ côi ở làng bên.
Không được bố mẹ đồng ý, cả hai quỳ xuống xin đấng sinh thành rồi đùm dúm nhau lên Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) kiếm kế mưu sinh.
Tại đây, hai vợ chồng chạy chợ sớm hôm rồi lần lượt sinh 4 người con. Cuộc sống không ngớt khó khăn nhưng điều đó không khiến bà Thành chán nản. Bà chỉ thấy khổ tâm vì tính cách của chồng không như bà mong đợi.
Nói chuyện với người ngoài, ông Sơn liên tục khen ngợi vợ, dành cho vợ những lời hoa mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc hôn nhân với vợ, ông Sơn lại là người keo kiệt, gia trưởng và độc đoán. Ông không cho bà quyết định bất cứ việc gì.
Hơn 50 năm sống nghĩa vợ chồng, chưa có lần nào ông Sơn chủ động thăm hỏi và lo lắng cho công việc nhà vợ. Khi bố mẹ bà Thành qua đời, ông cũng chỉ đến viếng thăm như một người quen biết.
Bà Thành khổ tâm và oán hận bản thân. Thế nhưng, vì đã cãi lời bố mẹ, bà không dám than vãn nửa lời về chồng.
Bà “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong cuộc sống chung cho đến một ngày …
Khu công nghiệp xuất hiện ở xã - nơi gia đình ông Sơn bà Thành đang sống nên đường sá mở ra. Đất đai tăng giá vùn vụt. Người dân bán đất có tiền nên tệ nạn xã hội tràn về không ít.
Đầu làng 3, 4 quán massage được mở ra. Ở đó, người chủ quán thuê những cô gái mắt xanh mỏ đỏ, tối ngày ăn mặc thiếu vải để mời mọc cánh đàn ông.
Từ những quán massage đó, rất nhiều gia đình lâm vào cảnh tan cửa nát nhà. Tuy nhiên, chẳng bao giờ bà Thành nghĩ, trong số những người đàn ông lui tới đó lại có cả chồng mình.
Một ngày, đang ngồi trên ô tô của con trai từ nội thành về nhà, bà Thành bất ngờ thấy bóng ông Sơn đi ra từ quán massage. Bước chân ông Sơn tập tễnh nhưng gương mặt đầy hân hoan. Bên cạnh ông Sơn, cô gái chỉ đáng tuổi cháu nội đang ve vẩy những tờ tiền khiến bà Thành tím mặt.
Về nhà, bà khóc lóc bù lu bù loa rồi cãi vã một trận lớn chưa từng thấy với ông Sơn. Bà nói ra tất cả những ấm ức dồn nén suốt 50 năm qua.
Ông Sơn không biết nhận lỗi cũng không hề xoa dịu vợ. Ngược lại, ông cầm chén uống nước ném thẳng về phía bà khiến bà Thành không nén được nỗi căm hận. Bà điện thoại cho tất cả con cháu và tuyên bố ly hôn với ông Sơn.
Ông Sơn cũng không vừa. Ông ra ngân hàng rút cả cọc tiền - vốn là tiền bán đất rồi mang ra quán massage tặng thưởng cho các em gái.
Ông gạt đi ý kiến của tất cả các con và thách thức bà Thành phải mời luật sư làm thủ tục ly hôn.
LS Nho thấy hai ông bà đã lớn tuổi, con cái thành đạt, giỏi giang nên tiếc cho một gia đình kiểu mẫu. Anh ra sức phân tích, thuyết phục và cùng các con của bà Thành tìm cách hàn gắn đôi vợ chồng.
Thế nhưng, ý hai ông bà đã quyết, nam luật sư và các con đành phải thuận theo…
Hai ông bà nhận quyết định ly hôn. Căn nhà được chia làm đôi vì không ai muốn rời mảnh đất đã gắn bó.
Nhiều người trong làng thấy vậy dèm pha. Họ cười ông Sơn nhưng cũng chê bà Thành, cuối đời còn làm chuyện thị phi.
Thế nhưng bà Thành chỉ cười nhạt. Bà bảo, sau 50 năm nhẫn nhịn đủ đường, người ta vẫn không tôn trọng mình thì lý do gì mà níu giữ…
Theo Lê Vy - Phạm Giang/Vietnamnet