Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ, lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" hào hùng, vang dội, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam.
Trận địa tên lửa của quân ta sẵn sàng đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của không quân Mỹ-Ảnh tư liệu
Trao đổi với Dân Việt về sự kiện này, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết:
Chiến thắng B-52 trong 12 ngày đêm tại sao được gọi là chiến thắng Điện Biên phủ trên không? Ông giải thích, chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954 là trận đánh quyết định để dân tộc ta kết thúc cuộc chiến chống Pháp. Còn chiến thắng B-52 trong 12 ngày đêm ác liệt cũng là trận chiến quyết định buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, rút quân khỏi Việt Nam.
Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết thêm: Năm 1962, khi máy bay B-52 của Mỹ còn chưa tham chiến ở Việt Nam, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu âm mưu, thủ đoạn, quy luật sử dụng lực lượng không quân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo Mỹ sẽ sử dụng loại máy bay ném bom chiến lược B-52 ở Việt Nam. Người đã căn dặn: "…phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này".
Xác B-52 bị bắn rơi nằm ở hồ Hữu Tiệp (Hà Nội) đã nửa thế kỷ. Ảnh Nhật Minh
Đúng như dự báo của Bác Hồ, đến ngày 18/6/1965, lần đầu tiên Mỹ sử dụng máy bay B-52 ném bom khu vực Bến Cát (tây bắc thành phố Sài Gòn). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí sắt đá của Đảng và cả dân tộc: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng".
Đến cuối năm 1967, Bác đã khẳng định "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây" (Hà Nội).
Lực lượng phòng không của Việt Nam sẵn sàng chiến đấu. Ảnh Báo Biên phòng
Thực hiện chỉ thị, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận phòng không, không quân của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng được tiến hành từ rất sớm.
"Nhờ tiên đoán của Bác Hồ và tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta đã nghiên cứu đánh máy bay B-52 từ năm 1965-1966. Chúng ta đưa tên lửa vào khu 4, giáp với phía Lào để thử nghiệm bắn máy bay B-52; rồi đưa máy bay Mig 21 vào đánh thử. Từ đó chúng ta mới biết điểm mạnh của B-52 là gì, điểm yếu là gì và đưa ra giải pháp phù hợp", Tướng Trung nói.
Qua thực tiễn, Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu biên soạn tài liệu "Cách đánh B-52". Cuốn tài liệu này được hoàn thành vào tháng 10/1972 để nâng cao công tác huấn luyện.
Nhờ có công tác chuẩn bị sớm, sự sáng tạo trong khoa học kỹ thuật, sự chiến đấu mưu trí và anh dũng của quân và dân ta, chúng ta đã làm nên thắng lợi "Điện Biên phủ trên không" trong 12 ngày đêm ác liệt.
"Chiến thắng 12 ngày đêm "Điện Biên phủ trên không", không chỉ là thắng lợi về chiến lược mà còn là thắng lợi về nghệ thuật quân sự, thắng lợi về kỹ thuật và công nghệ. Nếu như chúng ta bắn không trúng hoặc chỉ bắn cháy vài chiếc B-52 thì chúng sẽ tiếp tục tàn phá Hà Nội và các thành phố. Nếu không chiến thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội thì cuộc kháng chiến của sẽ kéo dài và gian khổ, tổn thất hơn nhiều", Thượng tướng Võ Tiến Trung nói.
Nói về bài học của chiến thắng "Điện Biên phủ trên không", theo Thượng tướng Võ Tiến Trung bên cạnh những bài kinh điển đã được tổng kết, chúng ta cần chú trọng bài học về sự chuẩn bị; bài học luôn luôn nắm chắc địch, nắm chắc công nghệ của địch để từ đó nghiên cứu ra cách chế áp, dù địch có mạnh, có công nghệ hiện đại hơn nhưng chúng ta sẽ có cách xử lý.
"Quan điểm bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" của Đảng ta là sự kế thừa bài học, kế sách "giữ nước từ khi nước chưa nguy" trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta không muốn chiến tranh, luôn tìm các giải pháp để giữ vững môi trường hòa bình dựa trên ba trụ cột. Thứ nhất bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; thứ hai bảo vệ chế độ; thứ ba là bảo vệ môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng trường hợp đã làm mọi cách mà không bảo vệ được môi trường hòa bình buộc phải chiến tranh thì chúng ta phải đánh thắng. Muốn vậy phải có sự chuẩn bị, sự chuẩn bị càng kỹ bao nhiêu, nghiên cứu công nghệ chiến tranh, vũ khí và phương tiện kỹ thuật chiến tranh càng sâu bao nhiêu, càng có những công nghệ, kỹ thuật mới bao nhiêu thì chúng ta sẽ làm chủ tình hình. Còn như sự chuẩn bị không kỹ thì nguy cơ chiến tranh sẽ càng nhanh đến", Thượng tướng Võ Tiến Trung nói.
Từ tối 18 - 29/12/1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, huy động 193 máy bay chiến lược B -52, hơn 1.077 máy bay chiến thuật các loại, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không, 6 tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ném bom đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số mục tiêu khác. Liên tục trong 12 ngày đêm, pháo đài bay B-52 đã rải thảm hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại xuống miền Bắc Việt Nam.
Kết quả chiến đấu sau 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, có 34 B -52; riêng Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 53 máy bay, trong đó có 32 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Theo PVCT/Dân Việt