Bác sĩ BV tâm thần nhận tiền của người bệnh bị xử lý thế nào?

Google News

Hiện vụ bác sĩ bị bắt khi đang nhận tiền của bệnh nhân tâm thần khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi người này có thể sẽ bị xử lý thế nào?

Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk vừa có báo cáo liên quan đến việc viên chức bị bắt quả tang nhận tiền của người bệnh. Theo đó, vào khoảng 12h55 ngày 27/12, ông Nguyễn Hữu Chương (đảng viên, bác sĩ điều trị thuộc khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu), bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang khi đang nhận tiền của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám bệnh tâm thần để được cấp sổ điều trị ngoại trú và hưởng trợ cấp hàng tháng.
Bac si BV tam than nhan tien cua nguoi benh bi xu ly the nao?
Bệnh viện nơi xảy ra sự việc. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân tâm thần để thực hiện công việc theo yêu cầu của bệnh nhân là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội nhận hối lộ nên cơ quan điều tra giữ người trong trường hợp khẩn cấp để tiến hành xác minh làm rõ là có căn cứ.
Bac si BV tam than nhan tien cua nguoi benh bi xu ly the nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết thêm, hành vi được xác định là bắt quả tang, có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra đã tiến hành thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp để xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi và xác định hậu quả đã gây ra để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ bác sĩ này có liên quan gì đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh nhân này hoặc người nhà của họ. Sẽ làm rõ mức độ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của bệnh nhân này như thế nào và mục đích nhận tiền là gì? Ngoài ra cũng sẽ làm rõ số tiền và bác sĩ này đã nhận là bao nhiêu tiền, để thực hiện công việc gì?
Dưới góc độ pháp lý, việc người có chức vụ quyền hạn nhận tiền của người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, trị giá số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì đây là hành vi đưa nhận hối lộ, người đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật Hình sự. Còn người có chức vụ quyền hạn đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế này. Nếu có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cùng ăn chia số tiền nhận được của bệnh nhân với bác sĩ trên thì sẽ bị xử lý với tội danh tương ứng.
Cơ quan chức năng cũng sẽ mở rộng điều tra vụ án này để xác định ngoài vụ việc bị phát hiện quả tang, trước đó còn có hành vi đưa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện bài hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận tiền để bệnh nhân trục lợi chế độ bảo hiểm của Nhà nước thì cũng có thể xử lý hình sự về tội danh có liên quan đến bảo hiểm y tế như tội Gian lận về bảo hiểm y tế theo điều 215 Bộ luật Hình sự.
Điều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 >>> Xem thêm video: Bắt quả tang thiếu úy Công an nhận hối lộ của người ghi đề

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt