Bác sĩ được mở phòng khám, Giáo viên bị cấm dạy thêm: Có công bằng?

Google News

"Khi bác sĩ có phòng khám riêng thì có tận tâm với công việc ở bệnh viện công, có lôi kéo bệnh nhân về phòng khám riêng..."- ĐBQH Nguyễn Quốc Hận chất vấn.

Trong phiên chất chất Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GDĐT, nhiều đại biểu đặt vấn đề “Tại sao ngành y bác sĩ được làm thêm mà giáo viên lại không được dạy thêm?”.
Tại sao bác sĩ được làm thêm?
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) dẫn chứng việc ngành giáo dục yêu cầu cấm dạy thêm, học thêm để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy và học trên lớp nhưng với ngành Y thì "việc bác sĩ hay nhiều bác sĩ liên kết xây dựng phòng khám riêng có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện công không?".
Bac si duoc mo phong kham, Giao vien bi cam day them: Co cong bang?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. 
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo tổng kết từ các giai đoạn trước, vấn đề hành nghề của bác sĩ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thu nhập, mức độ hành nghề và uy tín của bác sĩ.
Theo đó, việc bác sĩ được hành nghề, lập phòng khám - tức là làm việc ngoài giờ sẽ có thêm thu nhập, đặc biệt là nâng cao năng lực chuyên môn của bác sĩ.
Bộ trưởng Long cũng nhấn mạnh, không nên phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư. Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa 2 lực lượng trên. Do vậy sự trao đổi và chia sẻ sẽ đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.
Bộ Y tế cũng cho biết, đã có những quy định về quản lý thời gian hành nghề, thời gian tái tạo sức lao động của bác sĩ. Đồng thời, cơ quan này cũng nghiêm cấm việc không hoàn thành công việc ở cơ sở y tế công lập để đưa ra làm ở cơ sở tư nhân.
Có công bằng?
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề liên quan đến việc liên kết xây dựng phòng khám riêng có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện công không, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đã tranh luận lại.
Bac si duoc mo phong kham, Giao vien bi cam day them: Co cong bang?-Hinh-2
 Đại biểu Nguyễn Quốc Hận.
Theo đại biểu Hận, ông không có ý phân biệt cơ sở y tế công - tư. Bên cạnh đó, theo các lý do của Bộ trưởng đưa ra thì có hợp lý khi áp dụng với ngành giáo dục không?
"Vấn đề tôi muốn nói là khi bác sĩ có phòng khám riêng thì có tận tâm với công việc ở bệnh viện công, có lôi kéo bệnh nhân về phòng khám riêng, có ưu tiên các khâu điều trị ở phòng mạch riêng của mình hay không? Liệu như vậy có công bằng với bệnh nhân khác khi điều trị ở bệnh viện hay không?” - đại biểu Hận đặt câu hỏi.
Tiếp tục trả lời vấn đề đại biểu Hận tranh luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, cho đến thời điểm này, chúng ta chưa thấy việc giảm sút năng lực chuyên môn của người được cho phép mở phòng khám riêng khi làm việc trong cơ sở y tế công lập.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có chỉ đạo đối với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, quy định giờ cụ thể khi hành nghề.
"Chúng tôi mong muốn các địa phương cùng chia sẻ với ngành y tế, Bộ Y tế trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế công lập và tư nhân được tương xứng” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
“Cái gì không quản được thì cấm”
Tiếp tục vấn đề cấm giáo viên dạy thêm, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đề cập vấn đề ép học sinh học thêm online, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong điều kiện bình thường, việc dạy thêm đã bị cấm.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh, học sinh căng thẳng khi học online, việc ép học sinh học thêm càng cần phải lên án. Bởi nó làm tăng thời gian học online của các em.
Bac si duoc mo phong kham, Giao vien bi cam day them: Co cong bang?-Hinh-3
Đại biểu Nguyễn Công Long. 
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chúng ta cấm dạy thêm học thêm nhưng chưa giải quyết được vấn đề căn cốt liên quan.
Theo đại biểu, từ trước đến nay, chúng ta vẫn tiếp cận vấn đề dạy thêm học thêm như gánh nặng của xã hội và xử lý theo kiểu cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp.
Chúng ta không nên quản lý theo tư duy như cũ, là cái gì không quản được thì cấm. Thay vào đó, nên đánh giá ý nghĩa của nó đối với ngành giáo dục thế nào và nhìn nhận nhu cầu thực tiễn của phụ huynh và học sinh.
Dẫn lại ý kiến đại biểu tỉnh Cà Mau ví von tại sao ngành y tế không cấm làm thêm mà giáo dục lại cấm, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, hôm nay ông muốn chuyển ý kiến của cử tri chất vấn Bộ trưởng: “Tại sao ngành y bác sĩ được làm thêm mà giáo viên lại không được dạy thêm?”.
Theo đại biểu này, cả nước hiện có 38.000 giáo viên phổ thông tiểu học. Vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng là lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh.
"Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo, căn cơ trong việc dạy thêm có cả vấn đề đời sống. Qua hai năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ" - đại biểu Long bày tỏ.
Cấm nếu dạy thêm liên quan đến đạo đức nhà giáo
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước đây, Bộ GD&ĐT có thông tư 17 về việc dạy thêm và học thêm, tuy nhiên, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới có được các quy định chặt chẽ.
Bac si duoc mo phong kham, Giao vien bi cam day them: Co cong bang?-Hinh-4
 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Đến năm 2016 Luật Đầu tư bỏ việc dạy thêm học thêm bỏ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên thông tư 17 về dạy thêm học thêm nhiều điều không còn hiệu lực.
Hiện nay, Bộ đang rà soát các văn bản quy phạm, đề nghị bổ sung dạy thêm học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư.
Ông Sơn nhấn mạnh, đối với việc dạy thêm học thêm mà giáo viên bớt các nội dung chính thức cần dạy, dạy trước nội dung theo quy định, dạy cho các nhóm riêng biệt vi phạm các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo thì hoàn toàn phải cấm.
“Đặc biệt, trong bối cảnh học sinh học online đã căng thẳng mà lại còn ép học sinh học theo cách như vậy thì là điều cần lên án” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và cho biết đối với việc dạy thêm của người không thuộc cơ sở giáo dục, ngoài nhà trường thì không thể cấm được.

Nguồn: VOV

Hiểu Lam