Bế mạc sáng 12/5, Hội nghị Trung ương 7 đã nhất trí ban hành Nghị quyết về nhiều vấn đề qua trọng, trong đó có cải cách tiền lương và cải cách BHXH – 2 vấn đề thiết yếu có tác động lớn đến người lao động và đội ngũ cán bộ công, viên chức.
Người lao động phải sống được bằng lương
Theo đó, Trung ương đã ban hành Nghị quyết cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực;…
Đề cập đến nội dung về cải cách chính sách tiền lương, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Trung ương thống nhất đánh giá về những kết quả đã đạt được cùng những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được rút ra từ những lần cải cách tiền lương trước đây
Từ đó, đề ra biện pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương với nhiều nội dung mới có tính cải cách, đột phá, khả thi cao.
|
Hội nghị Trung ương 7 ban hành Nghị quyết cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết cải cách chính sách BHXH - Ảnh: TTXVN |
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 - ảnh: TTXVN |
Trung ương nhấn mạnh, phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Bên cạnh đó, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo nội dung Nghị quyết, trong khu vực công, Nhà nước sẽ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải kiên trì, kiên quyết triển khai các nội dung cải cách mà lần này Trung ương đã nêu ra.
Cụ thể, với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Đồng thời, xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Ngoài ra, sẽ tiến tới thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù...
Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Xem xét điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc độc lập tương đối với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công…
Đẩy nhanh diện bao phù BHXH, tiến tới BHXH toàn dân
Đề cập đến nội dung về cải cách chính sách BHXH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương coi chính sách BHXH vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó, thiết kế chính sách bảo hiểm hưu trí, mà cụ thể là vấn đề về tuổi nghỉ hưu còn nhiều điểm chưa phù hợp, còn nặng về nguyên tắc "đóng - hưởng" mà chưa chú ý thoả đáng đến nguyên tắc "chia sẻ". Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.
Ngoài ra, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH…
Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Theo Tổng Bí thư, mục tiêu phải phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".
Đặc biệt, phải đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn; Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, "đóng - hưởng", "chia sẻ".
Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ BHXH trong dài hạn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ và đúng đắn hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề…
“Với tất cả ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề và những yêu cầu, nội dung nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Theo Hoài Thu/Baogiaothong