Bài thi tổ hợp tránh học “tủ”, có chi tiết “gây nhiễu“

Google News

Các giáo viên nhận định, bài thi tổ hợp KHTN có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học. Còn phổ điểm mỗi môn trong bài thi tổ hợp KHXH sẽ trong khoảng 7-8 điểm.

Sáng 28.6, thí sinh tiếp tục dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Chiều làm bài thi Ngoại ngữ.
Đề thi khó đột ngột
Video: Thí sinh Lê Đức Huy, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ về bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Đánh giá về đề bài thi Tổ hợp khoa học xã hội, thí sinh Lê Đức Huy, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ, đề thi Sử có sự phân hóa, bắt đầu từ câu 32. Các tình huống đưa ra ở môn Giáo dục công dân khá thiết thực. Em làm khá  tốt bài thi tổ hợp, dự kiến với môn Lịch sử có thể đạt 9 điểm.
Video thí sinh Đinh Thị Tuyến, Trường THPT Hoài Đức A, Hoài Đức, Hà Nội cho rằng đề bài thi Khoa học tự nhiên có sự phân hóa chưa tốt.
Về tổ hợp Khoa học tự nhiên, thí sinh Đinh Thị Tuyến, Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng đề khó đột ngột, mấy câu đầu dễ quá, trong khi những câu sau lại khó quá, chứ độ khó không tăng dần. Đề thi có thể dùng để xét tuyển đại học được. Tuyến thi khối A1, đối với môn Vật lý, em làm được 35 câu đầu. 
Thí sinh Anh Tuấn, Trường THPT Trung Văn chia sẻ, khá khó. Em làm được khoảng 2/3 bài thi, trong khi đó lại đăng ký vào một ngành "hot" của trường top 1 nên em khá lo lắng.
Bài thi tổ hợp KHTN phù hợp xét tuyển đại học
Tổ Khoa học Tự nhiên, hệ thống giáo dục Học mãi nhận định, bài thi tổ hợp KHTN năm nay giữ sự ổn định về cấu trúc, format so với các năm trước, mỗi môn thi thành phần Vật lí, Hóa học và Sinh học gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút. Nội dung đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp  THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.
Các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70-75% số câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết và Thông hiểu, 25%-30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao.
Đề thi TN THPT 2025 sẽ thay đổi hoàn toàn về cấu trúc đề và dạng thức của các câu hỏi để đáp ứng định hướng đánh giá năng lực theo yêu cầu của chương trình năm 2018.
Nội dung các câu hỏi trong đề thi TN THPT 2025 sẽ được gắn với các bối cảnh có ý nghĩa liên quan đến thực tiễn, ứng dụng của từng môn học trong đời sống, khoa học và công nghệ. Các dạng thức trắc nghiệm mới phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh. Do đó học sinh 2K7 cần có kế hoạch và lộ trình ôn tập một cách khoa học để sẵn sàng với mọi thay đổi của kì thi.
Nhận định chi tiết về từng môn thi trong bài thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên như sau:
Môn Vật lí: Đề thi môn Vật lí được giữ ổn định về cấu trúc nội dung như đề thi chính thức năm 2023 và tương đồng với đề thi Tham khảo TN THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngày 22/03/2024. Đề gồm 45% (18 câu) số câu hỏi trong đề là bài tập tính toán, 55% (22 câu) số câu hỏi lí thuyết. Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lí 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Sóng ánh sáng. Số lượng câu khó thuộc các chuyên đề cụ thể như sau:
• Dao động cơ: 1 câu về dao động của con lắc lò xo
• Sóng cơ và sóng âm: 1 câu về giao thoa sóng cơ
• Điện xoay chiều: 1 câu về mạch điện có chứa các hộp kín kết hợp đồ thị điện áp phụ thuộc tần số
• Sóng ánh sáng: 1 câu về giao thoa sóng ánh sáng đơn sắc
Môn Hóa học: Đề thi không quá khó, với 75% câu hỏi (30/ 40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, 25% câu hỏi (chiếm 10/ 40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Trong các câu thuộc khoảng điểm 7,5 - 10 điểm, có 1 câu lớp 11, còn lại thuộc chương trình lớp 12 với độ khó tương đương đề thi Tốt nghiệp THPT môn Hóa năm 2023. Đề thi không có câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Trong đề xuất hiện một số câu hỏi tính toán gắn liền với đời sống thực tế, nhằm kiểm tra khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống của thí sinh.
Môn Sinh học: Đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố qua đề thi tham khảo ngày 22/3/2024. Đề phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa tốt để xét tuyển Đại học. Đề đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, giảm yếu tố tính toán, tăng bản chất sinh, thí sinh cần kĩ năng đọc hình và bảng biểu và sơ đồ. Về độ khó của đề thi, 60% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét Tốt nghiệp. Chỉ có 40% câu hỏi dùng để phân hóa trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao.
Số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, phân bố gồm 11 câu Cơ chế di truyền và biến dị. 5 câu Quy luật di truyền có sự suy giảm đáng kể dạng này chứng tỏ đề thi đã đi vào bản chất của môn Sinh học. Đề có 1 câu di truyền người, 2 câu di truyền học ứng dụng, 3 câu di truyền quần thể, 4 câu Tiến hóa và 11 câu Sinh thái.
Về độ khó của đề và phổ điểm môn Sinh học: Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp. Chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh có thể đạt được điểm 5 đến 6 một cách dễ dàng. Để đạt được mức 7-8 đòi hỏi thí sinh phải hiểu môn Sinh thật cẩn thận, để đạt 9-10 thì tương đối khó vì đề dài và thí sinh phải thực sự có kĩ năng xử lí nhanh. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm. Đề không quá khó nhưng dài, các học sinh giỏi và có kĩ năng tốt có thể đạt điểm 10.
Đánh giá về đề thi môn Sinh học, cô Quảng Thị Kiệp, Tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Gia Lai) cho hay, đề thi khá dài nhưng không lạ. Đề thi có cấu trúc quen thuộc, bám sát với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Đề thi có tính phân hóa khá cao giữa 7,5 với 9 trở lên. Mức độ kiến thức tương đương với đề thi năm ngoái. Tuy nhiên, một số câu có mức độ khó hơn so với đề thi năm 2023.
Đề thi năm nay có khoảng 10 câu vận dụng cao, một số có chi tiết “gây nhiễu” nên thí sinh phải bình tĩnh, đọc kỹ đề và làm cẩn thẩn thì mới “ăn điểm”.
Với đề thi môn Sinh học năm nay, học sinh ôn theo khối B (Toán, Hóa, Sinh) có thể đạt từ 7,5 – 9,5 điểm. Dự kiến sẽ ít điểm 10 ở môn Sinh học. Học sinh học kỹ, nắm chắc kiến thức trên lớp và sách giáo khoa cũng có thể đạt 7- 7,5 điểm.
Dự kiến phổ điểm tổ hợp khoa học xã hội từ 7-8 điểm
Năm 2024 là năm cuối cùng thi theo bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp KHXH năm nay có các câu hỏi tiệm cận với cách ra đề mới của bài tốt nghiệp THPT 2025 đồng thời vẫn đảm bảo chuẩn cấu trúc và dạng thức của bài thi TNTHPT như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Mỗi môn thi thành phần của bài thi gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học. Dự kiến phổ điểm mỗi môn trong bai thi tổ hợp Khoa học xã hội sẽ trong khoảng 7-8 điểm.
Môn Lịch sử
 So với đề thi chính thức năm 2023 và đề thi tham khảo ngày 22/3/2024, đề thi chính thức năm 2023 có độ khó tương đương, nội dung đề thi có điểm mới: đề thi xuất hiện dạng câu hỏi tiệm cận với cách ra đề thi năm 2025 (theo đề minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố ngày 29/12/2023) ví dụ câu 32, 37 mã 309: cho học sinh đoạn tư liệu và yêu cầu dựa vào đoạn tư liệu để trả lời câu hỏi. 
90% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 -  bao gồm 2 câu hỏi phần lịch sử Việt Nam và 2 câu phần lịch sử thế giới.

Đề thi có tỉ lệ câu hỏi nhận biệt, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao tương đương đề thi tham khảo ngày 22/3/2024 nhưng có tính phân loại cao do độ khó của các câu vận dụng cao tăng lên.
• 80% câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản, độ nhiễu giữa các phương án không cao, thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng. Bên cạnh đó vẫn xuất hiện dạng câu hỏi liên quan đến xác định vị trí của quốc gia, hoặc phong trào cách mạng (liên quan đến kiến thức địa lí) ví dụ câu 9, câu 15 (mã 309). 
• 20% câu hỏi thuộc phần vận dụng – vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử  Việt Nam từ 1919  đến 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh  dạng bài so sánh (4 câu: 31,  34, 39, 40 mã 309), liên chuyên đề (câu 29 - mã 310), liên hệ kiến thức lịch sử thế giới - lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng. Đặc biệt, có 3 câu hỏi về các nội dung liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở các giai đoạn khác nhau, trong chương trình lịch sử lớp 12 mới, nội dung liên quan đến Hồ Chí Minh cũng là một trong những chuyên đề quan trọng, việc xuất hiện nhiều câu hỏi liên quan đến Nguyễn Ai Quốc thể hiện sự tiệm cận về nội dung với chương trình học và đề thi năm tới.
Môn Địa lí 
 Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tham khảo ngày 22/3/2024.
• Tỉ lệ câu hỏi lí thuyết/thực hành là 52,5%/47,5%. 
• Tỉ lệ câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu/Vận dụng và Vận dụng cao là 75%/25%.
Trong nhóm câu hỏi Nhận biết, có 15 câu sử dụng Atlat. 25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng – Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí các vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế. 
Đối với phần thực hành kĩ năng Địa lí, giống như trong đề Tham khảo và đề thi năm 2023, những câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam năm nay đề bài không ghi rõ số trang mà ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng, với điểm mới này, để khai thác tốt và nhanh tài liệu này học sinh cần nắm chắc mỗi trang Atlat thể hiện nội dung gì trong quá trình ôn tập. Phần biểu đồ và bảng số liệu không có dạng bài mới, thí  sinh vẫn phải có kĩ năng tính toán cơ bản để nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Ngoài ra, thí sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.
Các câu 76, 77, 78, 80 (mã đề 308) là những câu hỏi khó do đi sâu khai thác một vấn đề nhỏ, các phương án có độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn. Đặc biệt câu 80, thí sinh cần vận dụng kiến thức liên chuyên đề địa lí tự nhiên và địa lí vùng để giải quyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.

Môn Giáo dục công dân
Đề thi có mức độ tương đương đề tham khảo ngày 22/3/2024, là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp KHXH. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, giữ ổn định như những năm trước và tương tự đề tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố. Riêng với câu hỏi lớp 12, có gần 70% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8. 
25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, có câu hỏi mang tính tổng hợp kiến thức của nhiều bài như câu 116 (mã 322). Đặc biệt, các câu hỏi cực khó: 113, 114, 117, 118 mã 322 là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Thí sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Đặc biệt, đề thi xuất hiện dạng câu hỏi mới, tiệm cận cách ra đề cho năm 2025, yêu cầu học sinh căn cứ vào tư liệu đề bài cho để đếm số nhận định đúng, ví dụ như câu 102, 117 mã 322. Thí sinh cần có kiến thức tổng hợp và khả năng phân tích để xác định được đúng số nhận định theo yêu cầu đề bài.

Môn Lịch sử: Thí sinh đạt 6-8 điểm trong tầm tay
Đánh giá về môn Lịch sử tại bài thi tổ hợp, cô Nguyễn Thị Chung, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) nhận định, đề thi phân môn Lịch sử trong bài tổ hợp KHXH có cấu trúc gồm 40 câu. Các câu hỏi trong đề thi bao quát chương trình học nên đánh giá khái quát năng lực học sinh một cách toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch.
Nội dung đề thi chủ yếu xoay quanh kiến thức Lịch sử Việt Nam trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Đề thi gồm câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao đúng với ma trận đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT.
Dạng cấu trúc đề thi năm nay mức độ nhận biết, thông hiểu (15 - 11 câu), vận dụng và vận dụng cao (7-7 câu). Để lấy được điểm 9 - 10 đối với đề thi phân môn Lịch sử đòi hỏi thí sinh thực sự nắm chắc kiến thức, hiểu sâu những nhận định giá trị của các sự kiện lịch sử.
"Nếu thí sinh không nắm chắc kiến thức sự kiện từng giai đoạn thì dễ rơi vào mê cung kiến thức. Nếu để ý và nắm vững các kỹ năng cần thiết và nền kiến thức cơ bản, học sinh có thể đạt từ 6 - 8 điểm là hoàn toàn trong tầm tay", cô Chung chia sẻ thêm.
 
 
Mai Loan