Sáng 13/11 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó với bão số 13.
Nhiều khả năng bão sẽ vào Bắc Trung Bộ và Trung Bộ
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 9h sáng 13/11, bão số 13 còn cách Hoàng Sa 410 km, cách đất liền 880 km, cường độ bão lúc đó ở cuối cấp 11, đầu cấp 12. Khu vực nằm trong bán kính 90 km từ tâm bão có thể chịu gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trở lên.
Theo dự báo, bão nhiều khả năng sẽ vào Bắc Trung Bộ và Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Ngãi và Hà Tĩnh.
|
Hướng di chuyển bão số 13 rất khó đoán. |
Dự báo, đêm 14/11 hoặc sáng sớm ngày 15/11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh miền Trung (dự báo từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi). Tuy nhiên, ngay từ trưa và chiều 14/11 bắt đầu có gió mạnh ở vùng ven biển. Đồng thời, bão được dự báo sẽ gây nước dâng, sóng lớn, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền và các hoạt động trên biển, kể cả khu vực ven bờ.
Chuyên gia khí tượng nhấn mạnh đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi không ổn định. Khi vào bờ, bão tiếp tục gây thiệt hại lớn ở các khu vực đã bị tổn thương liên tiếp do các đợt thiên tai vừa qua.
“Với hoàn lưu rất rộng, hướng di chuyển quét dọc bờ biển, dự kiến trong rạng sáng 15/10 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức gió cấp 9-10, giật cấp 12. Vùng chịu ảnh hưởng của gió bão kéo dài từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi”, - ông Mai Văn Khiêm nói và lưu ý, cần hết sức chú ý về sức gió vì theo kinh nghiệm của những cơn bão gió lớn trước đây, nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Cần hết sức cảnh giác với lốc xoáy và gió giật như cơn bão số 5 vừa qua.
Ngoài ra, cơn bão này dự báo tiếp tục gây mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với lượng mưa khoảng 200-300 mm, có nơi trên 350 mm, trong đó có những khu vực vừa qua đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét là rất cao, nhất là tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Sức tàn phá rất lớn trên biển
Báo cáo về tình hình triển khai ứng phó trước bão số 13, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Cơn bão này quét dọc tuyến biển từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa với sức tàn phá rất lớn trên biển. Thủy triều cao nhất tại khu vực Cửa Ranh, sóng có thể đến 10 m. Đề nghị các địa phương bảo đảm an toàn. Lũ trên toàn tuyến sông từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế vẫn hầu hết ở mức báo động 3”.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, ngày hôm qua, BCĐ PCTT đã rà soát rất chi tiết và kêu gọi toàn bộ tàu cá vào bờ (59.752 tàu, thuyền), tuy nhiên, vẫn có những tàu nhỏ đi-về trong ngày nên các địa phương cần bám sát thông tin các tàu này vì có thể sáng mai, gió bắt đầu ảnh hưởng đến ven bờ.
“Hôm qua, trong cuộc họp BCĐ PCTT, ngành giao thông vận tải đã thông tin về lệnh cấm ra khơi với các tàu vận tải nhưng thực tế hôm nay vẫn còn nhiều tàu vận tải hoạt động tại khu vực nguy hiểm trên biển”, ông Trần Quang Hoài thông tin.
Tại cuộc họp trực tuyến, 10 địa phương báo cáo về các phương án chuẩn bị ứng phó bão, đặc biệt đã đưa toàn bộ các tàu thuyền vào nơi trú, tránh bão an toàn, lên đầy đủ kế hoạch di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương này dự kiến sơ tán 161.000 hộ dân trước 12h trưa mai (14/11). Trong đó đặc biệt ưu tiên sơ tán tại 93 điểm khảo sát có nguy cơ sạt lở với trên 10.000 hộ. Ngoài ra, khu vực ven lưu vực các sông Vu Gia, Thu Bồn cũng được lên kịch bản với đỉnh lũ trên mức báo động 3 khoảng 1 m. Lúc này, hơn 45.000 hộ dân sẽ được sơ tán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, địa phương này đã xây dựng kịch bản mưa do bão 200-300 mm. Đặc biệt chú trọng việc vận hành các hồ chứa: Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền. Tỉnh đảm bảo khi có mưa 300 mm, hồ chứa sẽ điều tiết mực nước ở sông Hương và sông Bồ dưới báo động 3. Thừa Thiên - Huế dự kiến sơ tán trên 19.000 hộ trước 10h sáng 14/11.
Tuy nhiên, theo dự báo, diễn biến của cơn bão này còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ.
|
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của bão số 13. Ảnh: VGP
|
Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến phức tạp của bão
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định diễn biến của cơn bão này còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ (vì tùy theo bão hướng ra phía bắc Trung Bộ hay đi thẳng vào Trung Trung Bộ). Vì vậy, các ngành, các địa phương phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất theo phương án là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình.
Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1597 ngày 12/11/2020.
Trong đó đặc biệt lưu ý theo dõi sát diễn biến của bão số 13 để chủ động chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các hoạt động trên biển; tiếp tục rà soát, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, tổ chức neo đậu tránh va đập, hạn chế thiệt hại.
Đặc biêt cần triệt để sơ tán người dân và các lực lượng ra khỏi những nơi nguy hiểm, những nơi không bảo đảm an toàn, đồng thời tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ vào.
“Ngay tại các khu vực tránh trú bão, các địa phương phải tiến hành kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ vào” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên khu vực đảo và đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các lực lượng cần chủ động triển khai chằng chống, chằng chống, gia cố bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu du lịch, trong đó đặc biệt lưu ý các khu nhà có các mảng kính lớn, các cột tháp cao.
Rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, nhất là các khu vực miền núi đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trong cả tháng vừa qua để sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
“Phải tập trung thực hiện việc sơ tán người dân các khu vực nguy hiểm. Vừa qua, các cơn bão đã gây nhiều thiệt hại về người do chưa sơ tán người kịp thời. Khi cần có thể tiến hành cưỡng chế người dân sơ tán” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động hướng dẫn, kiểm soát giao thông đi lại trong thời gian bão đổ bộ, chủ động khuyến cáo người dân hạn chế đi lại tránh tai nạn, rủi ro trong bão.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố; triển khai công tác bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, nhất là các hồ đập thủy lợi, chủ động điều tiết nước khi lũ về.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn và các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hỗ trợ người dân và địa phương ứng phó với bão, cứu hộ cứu nạn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện chương trình nhà ở chống lũ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Hiện các nhà cấp 4 khu vực ven biển bị bão tốc mái thì cần cứng hóa mái nhà. Các địa phương cần thống kê, lên kế hoạch để Chính phủ và toàn xã hội chung tay, xây dựng, sửa chữa hàng nghìn nhà ở của người dân đã bị sập, bị tốc mái sau các cơn bão vừa qua để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong các cơn bão sau...
>>> Mời độc giả xem thêm video Biển Động xuất hiện bão số 13
Tâm Đức