“Báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu“

Google News

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu.

Sáng 21/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Chủ trì hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.
Học hỏi AI làm phong phú sứ mệnh người làm báo
Trong phần trình bày tham luận về thu thập, khai thác nguồn thông tin về tình hình quốc tế để phục vụ nhu cầu trong nước - thực tiễn tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), bà Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc TTXVN đã nêu một số vấn đề đặt ra trong khai thác thông tin quốc tế.
“Bao chi phai kien tao duoc dong thong tin tich cuc, chu luu“
Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra trong sáng 21/12. Ảnh: Hoàng Hà 
Về vấn đề nguồn nhân lực, bà Trang cho rằng, công tác bồi dưỡng, đào tạo cần có thời gian mới có được lực lượng có kỹ năng về nghiệp vụ báo chí và sự nhạy bén chính trị để xử lý những thông tin quốc tế nhạy cảm.
Đặc biệt, bà Trang nhắc tới vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI) với báo chí. Theo đó, việc ứng dụng AI có thể giúp chúng ta có được những bản dịch sơ bộ một cách vô cùng nhanh chóng.
Tuy nhiên, để biến những thông tin “không có tư tưởng” hoặc “tư tưởng vay mượn” trở thành một sản phẩm báo chí đòi hỏi sự hiểu biết và bản lĩnh chính trị của người biên tập viên.
Tổng Giám đốc TTXVN cho rằng, trong quá trình tác nghiệp với AI, chúng ta cần tránh hai xu hướng: Một là lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo; hai là tẩy chay trí tuệ nhân tạo.
Việc quá lệ thuộc vào AI sẽ làm năng lực tư duy của chúng ta bị bào mòn. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi có những tình huống bất thường xảy ra.
“Chúng ta mất đi phản xạ nghề nghiệp, trở thành một 'quân cờ' trong cuộc chiến thông tin mà lẽ ra chúng ta phải là người chơi cờ”, bà Trang nói.
“Bao chi phai kien tao duoc dong thong tin tich cuc, chu luu“-Hinh-2
 Bà Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc TTXVN.
Cũng theo bà Trang, chúng ta cũng không nên xa lánh AI bởi AI là một nguồn tri thức của nhân loại. Bên cạnh việc dạy cho AI trở nên thông minh hơn thì các nhà báo cũng cần phải học hỏi để làm phong phú thêm tri thức, ngày một làm tốt hơn sứ mệnh của những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Nêu kinh nghiệm trong việc quản trị, phát triển nội dung số, ông Bùi Hồng Phúc - Phó trưởng Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, việc tuyên truyền tận dụng tối đa đặc thù của các nền tảng số (khả năng lưu trữ, tìm kiếm, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian) giúp thông điệp được lan tỏa và tiếp cận với một lượng lớn người xem.
Một yếu tố quan trọng là lượng người sử dụng Internet và gắn bó với môi trường số thường có độ tuổi trẻ, dễ dàng tiếp thu tri thức. Việc phân phối một cách thích hợp trên các nền tảng khác nhau phù hợp với nội dung, lứa tuổi của người xem cũng đem lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn.
Chuyển đổi số nằm ở ý chí của người đứng đầu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023 báo chí truyền thông trong nước để lại dấu ấn quan trọng, những thành tích đạt được cũng rất đáng khích lệ.
“Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, báo chí đã nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt là sâu sắc hơn. Cũng có những bài viết, phóng sự rất xúc động, lấy được nước mắt mọi người”, Phó Thủ tướng nói.
“Bao chi phai kien tao duoc dong thong tin tich cuc, chu luu“-Hinh-3
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. 
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn hiện tượng “giật tít và có những bài báo thực sự không có trách nhiệm”; vai trò của cơ quan chủ quản cũng rất mờ nhạt, thậm chí là buông lỏng; vấn đề chuyển đổi số rất chậm, số lượng cơ quan báo chí bị đánh giá chuyển đổi số ở mức kém chiếm 63%.
“Tôi cũng bất ngờ bởi tiêu chí xếp hạng chuyển đổi số có 63% cơ quan báo chí xếp loại yếu. Chuyển đổi số không phải nằm ở phần mềm, không phải nằm ở phần cứng, mà nằm ở ý chí của người đứng đầu”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thời gian tới báo chí phải tăng cường khả năng cạnh tranh với phương tiện truyền thông, mạng xã hội như Tiktok và Facebook.
Bởi vì, nếu không cạnh tranh thì tỷ lệ quảng cáo sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, đến đời sống cán bộ công nhân viên. Không có cách nào khác, báo chí phải hay hơn, hấp dẫn hơn thì tỷ lệ quảng cáo sẽ tăng lên.
Về vấn đề tài chính cho báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, các báo địa phương được tỉnh bao cấp gần hết, nhưng cơ quan báo chí trung ương đang tự xoay xở và chỉ có một phần của ngân sách nhà nước.
“Sẽ có sự hài hòa giữa ngân sách nhà nước và ngân sách do chính báo chí tự lo liệu được, theo nguyên tắc báo chí sống được nhưng cũng không triệt tiêu sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của các cơ quan báo chí. Do vậy, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chủ yếu cho hoạt động đổi mới và đào tạo”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Đối với các cơ quan quản lý báo chí, trực tiếp là Bộ TT&TT, cần phải quan tâm đến công tác tài chính của các cơ quan báo chí, đặc biệt là tháo gỡ các cơ chế, chính sách như cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng hay Thông tư số 19 của Bộ Tài chính về thuế VAT.
Tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí.
Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
“Bao chi phai kien tao duoc dong thong tin tich cuc, chu luu“-Hinh-4
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo...
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, cần tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Bao chi phai kien tao duoc dong thong tin tich cuc, chu luu“-Hinh-5
Ban Tổ chức hội nghị trao tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023. 
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Quang Phong-Hoàng Hà/Vietnamnet