Bão Conson đe dọa, COVID -19 chực chờ... kịch bản nào tránh tai họa kép?

Google News

Để ứng phó với diễn biến khó lường của bão Conson, nhiều địa phương lên phương án sơ tán hàng chục nghìn dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người đặt câu hỏi: Kịch bản nào tránh tai họa kép?

Tối 8/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong đêm 8/9 bão Conson đi vào Biển Đông với sức gió giật cấp 11. Trong những ngày tiếp theo, bão tiếp tục mạnh thêm và có thể giật tới cấp 13.
Khẩn trương hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch COVID-19
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng. Tổng số dân dự kiến được sơ tán trước khi bão Conson đổ bộ là hơn 250.000 người, bao gồm cả khu vực ven biển, ven sông, ngoài đê và nơi có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở.
Cụ thể, thông tin từ một số địa phương cho biết, đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn (RRTT: cấp 3) diện rộng trong điều kiện diễn biến COVID-19 phức tạp.
Bao Conson de doa, COVID -19 chuc cho... kich ban nao tranh tai hoa kep?
Hướng di chuyển của bão Conson. 
Trong đó, dự kiến, sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển (Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100); Sơ tán 114.091 dân khu vực ven sông và ngoài đê (Hải Phòng 5.604; Thanh Hóa 28.272; Nghệ An 64.786; Hà Tĩnh 658; Điện Biên 5.612; Hà Giang 130; Bắc Cạn 479; Thái Nguyên 8.550); Sơ tán 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng 45.829; Điện Biên 2.315; Hà Giang 792; Bắc Cạn 842; Thái Nguyên 20.992).
Các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại công điện số 1107 ngày 31/8/2021 và văn bản số 1100 ngày 23/8/2021, đặc biệt là phương án sơ tán đảm bảo an toàn thiên tai và an toàn phòng, chống dịch cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, hiện chúng ta đang ứng phó với dịch COVID-19. Khi ứng phó với bão, các khu vực vùng ảnh hưởng của bão và khu vực tàu thuyền vào neo đậu phải có phương án đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
“Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về phương án sơ tán dân ứng với nguy cơ dịch bệnh tại từng khu vực. Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai sẽ có công văn gửi cho lãnh đạo Bộ Y tế để phối hợp trong việc đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện việc này", ông Hoài cho biết.
Cùng ngày 8/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công văn hỏa tốc số 92/TWPCTT gửi Bộ Y tế về việc hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.
Công văn nêu rõ, hiện nay, bão Conson đang hoạt động trên khu vực miền Trung Philippines, sẽ đi vào Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong những ngày tới. Ngoài ra, theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, có khoảng 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó, 3-4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ trong tháng 9,10. Mưa lớn cực đoan tại khu vực Trung và Nam Trung bộ vào tháng 10,11 và nửa đầu tháng 12.
Để sẵn sàng ứng phó với bão Conson và các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch khi xảy ra tình huống thiên tai, đặc biệt với công tác sơ tán dân, nhất là trong trường hợp phải sơ tán dân tập trung khi xảy ra thiên tai lớn, trên diện rộng tại các vùng đỏ.
Các địa phương khẩn trương ứng phó bão Conson
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Conson và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó; tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu. Đảm bảo an toàn và khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Lực lượng quản lý đê chuyên trách kiểm tra các vị trí xung yếu, công trình đê điều đang thi công dở dang.
Đối với vùng núi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặt biệt là các hồ chứa thủy lợi nhỏ, xung yếu.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác để các bộ ngành, địa phương triển khai ứng phó phù hợp, nhất là dự báo cường độ và thời điểm bão đổ bộ, cường độ và diện mưa.
Hiện tại, các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lớn.
Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp triển khai các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lớn, nhất là phương án sơ tán dân khu vực phòng chống dịch theo Chị thị 16 với những điều chỉnh trong lựa chọn, sàng lọc, quyết định phạm vi, biện pháp đảm bảo an toàn. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình đã tổ chức các đoàn kiểm tra khu vực trọng điểm xung yếu đê biển và hồ chứa.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chủ động chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lớn ngay từ khi bão hình thành vùng biển phía Đông Phi-lip-pin và cảnh báo sẽ có khả năng đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ gây mưa lớn diện rộng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ đạo, một số địa phương đã rất chủ động thực hiện các hoạt động chuẩn bị, rà soát, kiểm tra sẵn sàng ứng phó với bão.
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động phòng chống thiên tai trong điều kiện COVID-19 sẽ gặp nhiều khó khăn, phát sinh các tình huống không lường trước được, nên các tỉnh phải tiếp tục rà soát kỹ, chi tiết, cụ thể để tránh bị động, bất ngờ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quỹ đạo và cường độ bão Conson rất phức tạp, khó lường:

Nguồn: VTV 24

Hải Ninh