Ông vua hiện đại
Ông hoàng Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên Nguyễn Phúc Thiển, tục danh mệ Vững, sinh ngày 22.10.1913 (ngày 23.9 năm Quý Sửu) tại Huế. Vốn là con của vua Khải Định và bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc. Về thân thế của Bảo Đại vẫn còn nhiều nghi ngờ, vì vua Khải Định bị mang tiếng là bất lực và không thích gần đàn bà?
Theo gia phả, ngày 28.3.1922, Vĩnh Thụy được xác lập Đông cung Hoàng Thái tử. Ngày 15.6.1922, Vĩnh Thụy cùng vua cha Khải Định sang Pháp để thưởng ngoạn cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille, Pháp. Tháng 6.1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ Jean Franois Eugène Charles nhận làm con nuôi và cho ăn học tại trường Lyceé Condorcet rồi sau ở trường Sciences Po (école libre des sciences politiques) Paris.
|
Chân dung vua Bảo Đại.
|
Tháng 2.1924, Vĩnh Thụy về nước để dự Lễ Tứ Tuần Đại Khánh vua Khải Định, đến tháng 11.1924 trở lại nước Pháp để tiếp tục học. Vua Khải Định mất ngày 6.11.1925, Vĩnh Thụy về nước thọ tang vua cha và ngày 8.1.1926, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm vua, lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Từ niên khóa 1930, Bảo Đại theo học trường Khoa học Chính trị (Sciences Po).
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, trong cuốn Giai thoại và sự thật về Bảo Đại, vua cuối cùng của Triều Nguyễn, Nhà xuất bản Văn Nghệ T.P Hồ Chí Minh, năm 2006, thì những người vợ và tình nhân của Bảo Đại gồm: 1- Nam Phương Hoàng Hậu, quê Gò Công, Tiền Giang, Việt Nam, có hôn thú, có 5 người con: 2 - Bà Bùi Mộng Điệp, quê Bắc Ninh, không hôn thú, có 3 người con: 3 - Lý Lệ Hà, quê Thái Bình, vũ nữ, không hôn thú, không có con; 4 - Hoàng Tiếu Lan (Jenny Woong), vũ nữ Trung Hoa lai Pháp, không hôn thú, có 1 con gái; 5 - Lê Thị Phi Ánh ở Huế, không hôn thú, có 2 người con; 6 - Vicky (Pháp), không hôn thú, có 1 con gái; 7 -Clément (?),vũ nữ và buôn lậu ở xóm vigalle (Pháp), không hôn thú: 8 - Monique Marie Eugene Baudota (Pháp), có hôn thú, không có con. Như vậy, vua Bảo Đại có 8 người vợ, tình nhân và có 13 người con.
Đến tháng 9.1932, Bảo Đại hồi loan về nước, chính thức làm vua. Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính Bảo Đại đã cho bỏ một số tập tục mà các tiên vương đã bày ra như thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn long nhan nhà vua khi nhà vua tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy Bảo Đại đã cho các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực như Nguyễn Hữu Bài về hưu, sắc phong thêm 4 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải và Ngô Đình Diệm.
Ông thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp và cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ, tháng 12.1933, Bảo Đại ngự du Bắc Hà thăm dân chúng.
Ngày 20.3.1934, Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ bởi vì kể từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến vua Khải Định, các vợ vua chỉ được phong tước Vương phi, sau khi mất mới được truy phong Hoàng hậu. Ông là nhà vua đầu tiên thực hiện bỏ chế độ cung tần, thứ phi. Cuộc hôn nhân này cũng gặp phải rất nhiều phản đối vì Nguyễn Hữu Thị Lan là người Công giáo và mang quốc tịch Pháp.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 11.3.1945, Bảo Đại ra đạo dụ Tuyên cáo Việt Nam độc lập, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Ngày 7.4.1945, Bảo Đại ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12.5 giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 6.1945, chế độ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 25.8, Bảo Đại phải thoái vị. Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, Huế vào chiều 30.8, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu. ông vua Bảo Đại trở thành công dân Vĩnh Thụy. Trong dịp này, ông có câu nói nổi tiếng: "Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ".
Bị ông Tây bắn gãy chân vì nghen
Trong cuộc đời ông vua cuối cùng của triều Nguyễn này, với những xu hướng ngoại nhập đó đã làm thay đổi nhận thức, cuộc đời vua Bảo Đại. Nhất là chuyện yêu đương nam nữ của ông rất cởi mở, đôi khi bị gọi là bừa bãi. Chỉ vì mỹ nhân, vua Bảo Đại suýt rước họa vào thân nhiều lần. Sau khi làm lễ cưới với bà Nguyễn Hữu Thị Lan không lâu sau ông vua này lại đi du hí khắp nơi.
Có lần lên Đà Lạt thăm thú cô nhân tình da trắng mắt xanh, Bảo Đại bị ông chồng Tây của cô ta nổi cơn ghen, vác súng đuổi bắn gẫy chân khiến cho Toàn quyền Đông Dương là Jean Decoux vội cho máy bay chở vua về Sài Gòn chữa trị và nói là vua đi săn, bị vấp ngã xuống hố bẫy cọp. Vì chuyện này mà một viên quan về hưu đã làm bài thơ trào phúng, trong đó có câu: "Bà đầm chuộng lạ cần gia vị /Hoàng thượng ăn quen hẳn bén mùi /Thôi Chử ngày xưa còn thí mạng /Nữa là chỉ mất tý xương thôi".
Tính trăng hoa của Bảo Đại không chỉ gây rắc rối cho ông mà còn khiến một số người khác bị vạ lây. Tác giả Lucien Bodart trong cuốn sách "Chiến tranh Đông Dương - Sự nhục nhã" (xuất bản năm 1973 tại Paris) có đoạn viết: "Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào những kẻ đang tình tự ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan Toàn quyền đã phải hi sinh thân mình trong vụ đáng buồn này. Bà đã đi nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn một vụ án mạng có thể xảy ra. Án mạng không xảy ra, nhưng phu nhân Toàn quyền vì phóng xe quá nhanh để ngăn vụ bắn Bảo Đại và người tình nên đã thiệt mạng. Bà được chôn tại khuôn viên nhà thờ Vinh Sơn (nay nằm trên đường Ngô Quyền, phường 6, TP Đà Lạt)".
Tuy nhiên, ngày 4.10.1955, ủy ban trưng cầu dân ý thành lập đưa ý kiến đòi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Đến ngày 26.10.1955, Ngô Đình Diệm được suy tôn lên chức vị Quốc trưởng, và với 5.721.735 phiếu không đồng ý, Quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất và bắt đầu cuộc sống lưu vong tại Pháp cho đến ngày tạ thế.
Cuối đời vẫn đào hoa
Ông sống tại Cannes, sau đó chuyển đến vùng Alsace. Bảo Đại giao du với Jean de Beaumont, cựu nghị sĩ Nam Kỳ, một tay săn bắn có hạng. Bị cơ quan thuế để mắt tới, không còn tiền tài trợ của chính phủ Pháp, ông phải bán dần tài sản của mình. Năm 1963, Nam Phương Hoàng hậu qua đời ở Chabrignac.
Năm 1982, khi đã tiêu pha hết cả tài sản, Bảo Đại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946). Ông qua đời ngày 31.7.1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng dương 84 tuổi. Ông cũng là một phế đế sống thọ nhất trên thế giới thời hiện đại. Trước đó ông có nhận lời về tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie) được tổ chức tại Hà Nội vào 1997.
Đám tang Bảo Đại được điện Elyseé đứng ra lo liệu đầy đủ và trang trọng. Về phía gia đình, ngoài bà quả phụ Vĩnh Thụy Baudot có hoàng tử Bảo Long và các công chúa cùng đến tiễn đưa thân phụ, ngoài ra còn có bà Didelot (chị ruột của bà Nam Phương), tuy đã 90 tuổi nhưng cũng tới dự. Ông được an táng tại nghĩa trang Passy, quận 16, Paris, khá gần tháp Eiffel.
Theo Danviet