Người dân ở TP HCM đang sử dụng song song hai nguồn nước máy và nguồn nước ngầm, việc khai thác này không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, mà nó tại ở các hộ kinh doanh và trong các khu công nghiệp.
Theo UBND TP HCM, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là gần 717.000 mét khối mỗi ngày. Trong đó, lượng nước ngầm được khai thác trong các hộ gia đình cao nhất là gần 356.000 mét khối mỗi ngày; tiếp đến là các cơ sở kinh doanh không nằm trong khu chế xuất- khu công nghiệp với gần 173.000 mét khối. Thấp nhất là lượng nước ngầm sử dụng trong khu chế xuất - khu công nghiệp với hơn 58.000 mét khối mỗi ngày.
|
Báo động tình trạng khai thác nước ngầm ở TP HCM. |
Từ năm 2018, UBND thành phố đã có kế hoạch giảm lượng khai thác nước ngầm từ gần 717.000 mét khối xuống còn 100.000 mét khối mỗi ngày đến vào năm 2025. Mới đây TP cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư. Trên cơ sở đó lập kế hoạch giảm khai thác sử dụng nước dưới đất, tiến đến ngừng khai thác theo lộ trình. Song song đó, cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường về việc hạn chế, ngừng cấp giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm trên địa bàn TP.
Theo ông Trần Cường, Phó phòng kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, việc khai khác nguồn nước ngầm quá mức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường; dẫn đến mất cân bằng áp lực trong các tầng chứa nước và nguy cơ suy kiệt cả về trữ lượng và chất lượng của nguồn nước. Nguy hiểm hơn, sự mất cân bằng trên còn dẫn đến sự hạ thấp mặt đất, kéo theo hiện tượng sụt, lún, ngập úng, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Đặc biệt, nguồn nước ngầm có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh nguồn nước, nhất là khi nguồn nước mặt có sự cố về ô nhiễm. Ngoài ra, sử dụng nước ngầm không qua xử lý cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Hiện nay, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đang quản lý và cung cấp nước cho 23/24 quận, huyện của TP, riêng huyện Củ Chi thì do một đơn vị khác quản lý, với tổng công suất cấp nước lớn nhất là hơn 2,4 triệu m3 mỗi ngày, nhưng người dân sử dụng chỉ gần 1,93 triệu m3. Thống kê mới nhất cho thấy, trên địa bàn TP có khoảng hơn 125 ngàn đồng hồ có chỉ số tiêu thụ sạch từ 0 đến 4m3 trên tháng, nhiều nhất là quận 12 và huyện Hóc Môn. Lý giải vấn đề trên, ông Trần Cường cho rằng, việc khai thác nước ngầm hiện nay rất dễ dàng, chi phí rẻ và cũng là thói quen có từ lâu, nên để người dân thay đổi cũng cần thêm thời gian.
"Nhận thức được rõ vai trò của mình trong việc cấp nước cho TP, và việc nhận thấy tác hại của việc khai thác quá mức nước ngầm, thì chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, để khuyến khích người đân sử dụng nước máy và hạn chế khai thác nước ngầm, từ nay đến 2025 chúng tôi sẽ giảm lượng khai thác nước ngầm của các hệ thống cấp nước tập trung, thay bằng nguồn nước mặt", ông Cường cho biết.
Ông Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như quá trình đô thị hóa cao cho nên việc hạn chế khai thác quá mức là rất cần thiết: "Nguồn nước mà chúng ta lấy cho sinh hoạt và phục vụ cho công nghiệp ở khu vực TP HCM thì có nguồn từ sông Sài gòn và nước ngầm trong các khu vực. Nước ngầm bây giờ TP HCM đang khuyến cáo sẽ gần như là cấm không cho khai thác nữa vì nó gây ra hiện tượng lún sụt đất nền. Xu thế trong tương lai là mực nước ở hạ du ngày càng hiếm thì sẽ lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu tiếng xuống sẽ đủ cung cấp nước cho vùng hạ du, đặc biệt là TP HCM".
Thực tế hiện nay, khai thác nước ngầm ở TP HCM đang ở mức báo động, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh nguồn nước mà còn gây tác động lớn đến nền đất cho nên, ngoài việc vận động người dân hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm thì thành phố cũng cần phải tính phương án lâu dài nhằm tránh tác động đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Theo Xuân Ngà/VOV