Bão Goni gây vỡ đê ở Philippines: Tới Việt Nam... ảnh hưởng sao?

Google News

(Kiến Thức) - Bão Goni đã gây thiệt hại cho Philippines khi đổ bộ vào một số khu vực tại quốc gia này. Người dân Việt Nam quan tâm, ảnh hưởng của bão Goni khi đi vào đất liền Việt Nam.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tối ngày 1/11, tâm bão Goni nằm trên khu vực phía nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15, giảm hai cấp. Bão Goni sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và tiến vào Biển Đông vào rạng sáng 2/11. Đến 19h ngày 2/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng sa 530 km về phía Đông Đông Nam, tiếp tục giảm xuống cấp 10, giật cấp 13.
Bao Goni gay vo de o Philippines: Toi Viet Nam... anh huong sao?
 Hướng di chuyển của bão Goni.
Bão Goni gây vỡ đê ở Philippines
Trước đó, khi quét qua nhiều khu vực tại Philippines, Goni - cơn bão mạnh nhất năm 2020 từng đổ bộ vào nước này đã gây ra những thiệt hại. Theo một thông báo từ Chính phủ Philippines, ít nhất 10 người chết và 3 người khác bị mất tích sau khi bão Goni tràn qua phía Nam đảo chính Luzon của Philippines ngày 1/11.
Cùng với đó, một quan chức của Philippines cho biết thêm, hơn 300 ngôi nhà bị chôn vùi dưới lớp đất đá và dòng bùn từ núi lửa Mayon ở vùng Bicol thuộc tỉnh Albay.
Đáng chú ý, bão Goni đã đổ bộ tới 3 lần vào các khu vực khác nhau của Philippines. Càn quét xong một khu vực, siêu bão lại trở ra biển và tiếp tục đổ bộ vào một khu vực khác, có khi trên cùng một đảo.
Báo Inquirer địa phương cho biết, khu vực đầu tiên mà bão Goni đổ bộ là Bato thuộc đảo Catanduanes gần đảo Luzon với sức gió cấp siêu bão, hơn 225km/h. Sau khi trút các cơn mưa lớn xuống Bato lúc rạng sáng 1/11, bão Goni trở ra biển và đổ bộ tiếp vào thành phố Tiwi thuộc tỉnh Albay nằm trên đảo chính Luzon. Đây cũng là khu vực ghi nhận thiệt hại nặng nhất vì siêu bão tính đến thời điểm hiện tại. Chỉ riêng ở Albay đến lúc này đã có 7 người thiệt mạng vì bão Goni.
Dù suy yếu nhưng khi bão trở ra biển, quét qua vịnh Ragay và tấn công thành phố San Narciso của tỉnh Quezon phía nam đảo Luzon, gây ra các trận lũ lụt nghiêm trọng tại khu vực này.
Thống đốc vùng Bicol, Al Francis Bichara cho biết, tại vùng Bicol đã có 4 trường hợp tử vong do bão Goni được báo cáo, trong đó có 1 người bị cây đổ đè trúng và 1 đứa trẻ 5 tuổi bị lũ cuốn trôi. Trong khi đó, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nước trên các con sông cũng tràn bờ, phá vỡ một số tuyến đê và nhấn chìm nhiều ngôi làng ở Bicol.
Bao Goni gay vo de o Philippines: Toi Viet Nam... anh huong sao?-Hinh-2
Người dân mang thi thể một nạn nhân đi sau khi bão Goni quét qua tỉnh Albay, Philippines ngày 1/11. Ảnh: Reuters.
 
Tính đến 20h (giờ địa phương), cơn bão đã ở trên Biển Đông, phía tây Luzon và không gây ảnh hưởng nhiều đến thủ đô Manila của Philippines.
Ảnh hưởng thế nào khi đổ bộ vào đất liền Việt Nam?
Dự báo bão Goni sẽ tiếp tục suy yếu sau khi vượt qua phía nam đảo Luzon và tiến vào Biển Đông trong tối 1/11 rạng sáng 2/11. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 22 giờ ngày 4/11, tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định, bão Goni có cường độ mạnh nhất trước khi qua Philippines. Khi đi qua các đảo của Philippines, bão đã ở giai đoạn phát triển và do hoàn lưu bão Goni nhỏ nên ma sát với địa hình ở Philippines làm giảm cấp trước khi vào Biển Đông. Khi vào biển Đông, bão sẽ gặp nước biển lạnh, không khí khô, hoàn lưu nhỏ cùng với tương tác với bão Atsani phía ngoài nên không có khả năng tái cấu trúc lại hoàn lưu tốt như bão số 9.
Ngoài ra, khi vào đến Biển Đông bão đã di chuyển qua một đường đi khá dài, qua thời kỳ mạnh nhất theo chu kỳ một cơn bão. Các yếu tố động lực học khác cũng khiến siêu bão Goni giảm cấp nhanh. Dự báo, cơn bão Goni đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm hơn bão số 9 nên khi cập bờ khả năng chỉ có cường độ gió mạnh cấp 8 - cấp 9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây một đợt mưa lớn cho miền Trung trong những ngày tới.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định, thời điểm bão Goni áp sát đất liền các tỉnh Trung Bộ tối 4/11, sức gió mạnh nhất đạt 25 m/s, tương đương cấp 9, giật cấp 11. Sau đó, bão đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Hoàn lưu bão trải rộng khắp khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng kết hợp hoàn lưu của cơn bão Goni nên trong đêm nay và ngày 2/11, ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 5-7m, biển động rất mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng cao từ 1,5-2,5m, biển động.
Trong đêm 1/11 và ngày 2/11, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa bão. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khu vực trọng điểm chịu ảnh hưởng của cả mưa và gió do bão số 10 hiện được xác định là các tỉnh, thành phố Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Dù bão số 10 sau khi đi vào Biển Đông sẽ hướng về phía đất liền nước ta với cường độ suy yếu dần, không còn mạnh như khi ảnh hưởng trực tiếp tới Philippines. Tuy nhiên, các khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ vẫn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của gió cấp 7, 8 và mưa lớn do bão số 10. Vùng mưa do bão số 10 cũng khá rộng do kết hợp thêm với hoạt động của gió mùa Đông Bắc.
“Thời điểm hiện tại thì các ngư dân đang đánh bắt cá trên biển là có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu hoạt động trên vùng nguy hiểm do bão Goni gây ra. Do đó bà con ngư dân đi biển cũng như trong đất liền cần thường xuyên cập nhật các thông tin hiện trạng và dự báo về cơn bão này hàng ngày” – Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm trao đổi với báo chí.
Thời gian qua, bão, mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, đặc biệt là các khu vực ven biển, do đó, cần phải chủ động ứng phó bão Goni và không được chủ quan để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Để ứng phó với siêu bão Goni có thể đi vào Biển Đông và các tỉnh miền Trung Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành: Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020, 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020 và Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.
Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ. Huy động mọi phương tiện, nguồn lực nhanh chóng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc; khắc phục giao thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt.
>>> Mời độc giả xem video Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tổng hợp thiệt hại do bão số 9

Nguồn: VTV TSTC


 
 
Tâm Đức