Sáng 5/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 10.
Về diễn biến bão số 10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, đến 7h sáng, cường độ bão có sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khi vào gần bờ, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 10, cao điểm mưa sẽ rơi vào ngày và đêm 5/11, trọng tâm mưa tập trung tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Mưa sẽ kéo dài đến ngày mùng 7.
|
Quang cảnh cuộc họp ứng phó bão số 10 sáng 5/11. |
Tại cuộc họp, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn (Tổng cục Thủy sản) cho biết, đến 8h sáng vẫn còn 11 tàu cá tại tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi vẫn hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão.
“Đây là các tàu khai thác thủy sản gần bờ (cách đất liền từ 10 - 28 hải lý), nhưng do công suất tàu nhỏ, nếu xảy ra sóng lớn gió mạnh thì rất dễ xảy ra sự cố tàu chìm. Nên trong hôm nay chúng tôi kiên quyết yêu cầu các tàu trên phải vào bờ”, ông Hùng cho biết.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) thông tin, hiện nay vẫn giữ liên lạc với các tàu thuyền hoạt động trong vùng dự báo nguy hiểm do bão số 10.
Tuy nhiên, chủ các phương tiện cho biết ở những khu vực đó tình hình sóng gió bình thường nên họ vẫn khai thác và tự đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp này, đơn vị đã cử lực lượng xuống tận nhà để yêu cầu các tàu vào bờ.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm, ngày 11/10 khi tàu cá QNg 90741 TS đang di chuyển tránh bão số 6 thì gặp sự cố chết máy. Chủ tàu đã yêu cầu cứu hộ khẩn cấp. Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ đưa 2 tàu cảnh sát biển tiếp cận hiện trường và gọi cho chủ tàu thì chủ tàu không bắt máy. Do đó lực lượng cứu hộ phải quay lại đất liền.
Sau khi tàu QNg 90741 TS cập bờ, chủ tàu là ông Bùi Văn Tám đã nhận sai. Do đó, ngày 19/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tám số tiền 30 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 104 về hành vi “yêu cầu cứu hộ khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận” để giáo dục, răn đe.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, thời gian qua mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng các chủ tàu chấp hành chưa nghiêm.
“Như vụ 2 tàu cá ở Bình Định bị chìm trên biển do các chủ tàu không chấp hành yêu cầu di chuyển tránh bão, lực lượng cứu hộ phải điều nhiều tàu và cả máy bay tiếp cận hiện trường để cứu hộ”, ông Tiến nói và yêu cầu, đối với các tàu chưa chấp hành nghiêm quy định, cảnh báo cơ quan chức năng, cần có xử phạt hoặc giáo dục, cảnh báo trước cộng đồng.
Để ứng phó với bão số 10, Văn phòng thường trực yêu cầu thực hiện nhiều nội dung. Trong đó, yêu cầu tiếp tục thông báo, kiểm soát tàu thuyền, đặc biệt là các tàu trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, vãng lai neo đậu ở các cửa sông, hướng dẫn neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn người và phương tiện.
Báo cáo của cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 5/11 cho biết, hiện đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện/232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó có 19 tàu/90 LĐ (Đà Nẵng: 02/21; Quảng Ngãi: 02/14; Khánh Hòa 15/55) nằm trong khu vực nguy hiểm, tuy nhiên đây là các tàu hoạt động ven bờ, đi về trong ngày.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, số lượng tàu thuyền ở khu vực vùng nước cảng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 1.191 phương tiện vận tải đang neo đậu và tránh trú (331 tàu biển; 860 phương tiện thủy nội địa). Bộ GTVT có công điện chỉ đạo các cảng vụ hàng hải giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trú tránh bão.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão số 10 bất định, rất khó dự báo, hết sức nguy hiểm
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Hải Ninh