Vụ việc một người phụ nữ chạy xe máy đánh rơi bao tải thi thể hài nhi tại một ngã tư TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo đó, vào trưa ngày 13/9, người dân ở khu vực ngã tư đường Trần Phú - Nguyễn Hùng Sơn (phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) bang hoàng phát hiện một bao tải chứa một số thi thể hài nhi khi giúp một người phụ nữ đi xe máy đánh rơi.
Đại tá Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang khi trả lời báo chí cho biết, người phụ nữ này chuyên mang thi thể hài nhi, bị bỏ rơi đem chôn cất.
Sáng ngày 13/9, bà nhận được thông tin từ các công nhân phân loại rác của một nhà máy rác ở huyện Hòn Đất phát hiện xác hài nhi nên đến mang về chôn cất. Tuy nhiên quá trình di chuyển đã đánh rơi bao tải chứa thi thể hài nhi xuống đất.
|
Hiện trường vụ việc. |
Dư luận cho rằng, nếu người phụ nữ khai là đi thu gom xác hài nhi về chôn cất với động cơ tốt dư luận luôn ủng hộ. Tuy nhiên, qua diễn biến vụ việc trên, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ động cơ của người phụ nữ này khi cho xác hài nhi vào bao tải.
Bởi dù người phụ nữ có tấm lòng thiện nguyện, nhân đạo khi đem thi thể hài nhi đi chôn cất cũng cần thông báo cho chính quyền địa phương để hành động ấy được lan tỏa trong cộng đồng. Khi được phép tiến hành chôn cất đứa trẻ cũng cần phải bao bọc cẩn thận chứ không phải là cho vào bao tải chở ngoài đường như thế. Thậm chí nhiều ý kiến nghi ngờ người phụ nữ có ý định mờ ám với bao tải thi thể hài nhi!?
Liên quan vụ việc trên, trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày tỏ sự không đồng tình với hành động của người phụ nữ khi cho thi thể hài nhi vào bao tải rồi vận chuyển trên đường.
“Hiện chưa rõ động cơ của người phụ nữ này là tốt hay xấu nhưng người ta nghi ngờ là rất đúng. Bởi vì nếu người phụ nữ này là người tốt đi làm từ thiện mà lại thường xuyên đi làm từ thiện một cách chuyên nghiệp thì sẽ không xử lý như thế.
Người làm công tác thiện nguyện trong lòng người ta đã có một trái tim, nếu là người rất có tình thương với đồng loại, sẵn sàng làm việc tốt thì không ai lại cho thi thể hài nhi vào bao tải. Ít ra người ra cũng phải bao bọc, quấn tã, quấn lót cẩn thận chứ không thể cho vào bao tải chở ngoài đường như chở củi, chở rau, chở động vật như thế được”, bà Lê Thị Túy cho biết.
Chuyên gia tâm lý cũng nói rằng, nếu người phụ nữ này là người tốt, thật tâm thiện nguyện thì hành động như thế là sự thiếu hiểu biết hoặc có vấn đề gì đó không thể hiện một cách thống nhất với tâm hồn từ thiện, tình cảm của người ta với thi thể hài nhi như thế.
“Người phụ nữ này cũng thiếu sự hiểu biết về luật pháp. Ngay hiện nay đang dịch tả lợn châu Phi mà chở một con lợn chết đi đường người ta còn hỏi, huống chi là chở một thi thể hài nhi đi ngoài đường trong chiếc bao tải như thế. Bởi vậy, dư luận nghi ngờ động cơ của người phụ nữ là rất đúng. Khi nhận được tin báo của người dân, lẽ ra người phụ nữ này cần thông báo với các cơ quan chức năng để điều tra về nguồn gốc xác thai nhi, sau đó mới tiến hành các bước để chôn cất”, chuyên gia Lê Thị Túy nêu ý kiến.
Bà Túy cũng cho rằng, việc làm từ thiện này không thể hiện đúng chất từ thiện của người làm từ thiện đối với một con người, một cháu bé đã bị chết như thế. Hơn nữa, cách chở thi thể như thế chứng tỏ bà này không hiểu biết gì về pháp luật.
“Dù bà có tốt đến mấy đi chăng nữa, người dân cũng không thể hình dung, không thể tin được hành vi ấy lại là của người chuyên đi làm từ thiện. Bởi người làm từ thiện đến con vật người ta thương yêu, nâng niu huống chi là xác một đứa trẻ bất hạnh. Nên việc người phụ nữ này bị nghi ngờ bởi hành động như thế cũng không có gì là sai”, chuyên gia Lê Thị Túy nêu ý kiến.
Từ đó, chuyên gia Lê Thị Túy giả định hai khả năng liên quan vụ việc trên.
Khả năng thứ nhất, người ta từ thiện thật thì do người phụ nữ này thiếu hiểu biết, đơn giản hóa những vấn đề như thế thì cũng là sai, cách cho thi thể hài nhi vào bao và vận chuyển như thế cũng không thể hiện là người thực sự thương yêu và tôn trọng đứa trẻ xấu số.
Khả năng thứ hai, người phụ nữ này là người không bình thường, thiếu hiểu biết về luật pháp. Bởi khi phát hiện thi thể dù là hài nhi cơ quan chức năng họ cũng phải vào cuộc tìm hiểu nguồn gốc của xác trẻ để xem có vấn đề về hình sự hay không chứ không chỉ đơn giản là phát hiện rồi mang về cứ thế chôn cất.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, qua vụ việc trên rút ra kinh nghiệm là người làm từ thiện phải hiểu biết cách thức làm từ thiện, hiểu biết pháp luật để làm từ thiện một cách có ý nghĩa, có ích cho cuộc sống, lan tỏa những điều tốt đẹp.
Thiên Nga