Sáng 15/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 6h, tâm bão số 13 Vamco nằm ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và đang áp sát đất liền. Bão đã giảm 4 cấp so với thời điểm mạnh nhất, hiện còn cấp 8-9, giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão số 13, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Trên đất liền ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa to lớn với lượng phổ biến 100-150 mm.
Những giờ tới, bão đi theo hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 15 km/h và đi vào đất liền các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
|
Tâm bão số 13 nằm ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. |
Sáng 15/11, bão số 13 (Vamco) ảnh hưởng đến thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với sức gió cấp 6, giật cấp 7, lượng mưa đo được nơi cao nhất là 56,4mm. Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh cho biết, hiện địa phương đã phân công lực lượng bám sát địa bàn xung yếu để có phương án ứng phó kịp thời. Tối 14/11, thị xã Kỳ Anh đã hoàn thành việc di dời gần 1.000 hộ dân với số lượng khoảng 3.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Hiện địa phương này chưa ghi nhận thiệt hại do bão số 13.
Trước đó, nhiều hồ chứa nước lớn tại Hà Tĩnh đã đồng loạt xả tràn để “đón nước”, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Tại Quảng Trị, 7h sáng 15/11, có mưa nhỏ, gió bắt đầu mạnh dần lên trước khi bão số 13 đổ bộ. Vùng biển Vĩnh Linh hiện đang có gió giật mạnh, sóng biển cao. Tại huyện đảo Cồn Cỏ, mọi liên lạc đang bị cắt đứt hoàn toàn do mưa bão.
Trước đó, khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị tiếp tục sơ tán người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn. Trước đó, tất cả tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đều đã nhận đươc thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 13; có thông tin liên lạc thường xuyên và đã neo đậu về các khu neo đậu an toàn. Trong đó tàu thuyền nội tỉnh hơn 2.300 chiếc và gần 40 chiếc tàu thuyền ngoại tỉnh.
|
TX Kỳ Anh hiện có gió cấp 6, giật cấp 7. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, các địa phương trong tỉnh tùy diễn biến của bão số 13, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất để điều chỉnh phương án sơ tán dân đảm bảo kịp thời, an toàn.
Theo đó, trong trường hợp bão chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ sẽ sơ tán 6.355 hộ với gần 18.000 người đến khu vực an toàn; trường hợp bão đổ bộ trực tiếp sẽ sơ tán gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để tránh bão. Đối với sơ tán người dân tránh lũ do mưa bão, nếu có lũ vừa và lớn sẽ sơ tán hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người; nếu có lũ đặc biệt lớn sơ tán hơn 15.000 hộ với gần 50.000 người ở 99/124 xã, phường, thị trấn đến nơi an toàn.
|
Xe lội nước được điều động tại Đà Nẵng. Ảnh: VOV. |
Quảng Trị dự kiến sơ tán hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và các xã miền núi của các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh.
Sở GD&ĐT Quảng Trị đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 14/11 cho đến hết ngày 15/11. Đồng thời, thông báo cho học sinh và giáo viên hạn chế ra đường từ tối ngày 14/11 để đề phòng gió bão gây tai nạn thương tích.
|
Sóng to tại biển Cửa Tùng, Vĩnh Linh. |
Tại Quảng Ngãi, sáng 15/11, âm u dù gió mưa đã ngớt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo những hộ dân vùng sạt lở núi, sạt lở ven sông, suối, vùng nguy cơ ảnh hưởng triều cường ven biển trong diện sơ tán chưa được về nhà.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 13, hôm nay, Quảng Ngãi xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng từ 50 đến 120 mm, có nơi trên 150 mm. Các địa phương cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông, đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi, sạt lở vùng cửa sông, cửa biển. Cảnh báo cấp độ rủi ro trong thiên tai do bão ở cấp 3.
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ảnh hưởng bão số 13, từ chiều 14/11, nơi đây có gió cấp 9, cấp 10, giật mạnh cấp 11-12, sóng cao 4-6 m. Để đảm bảo an toàn, ngành điện lực đã cúp điện toàn huyện đảo. Đến 21h ngày 14/11, một số khu vực nơi đây đã có điện trở lại. Sáng nay, địa phương vẫn khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà đề phòng hoàn lưu bão số 13 gây gió lớn trở lại.
Tại Thừa Thiên Huế, gió mạnh từ cấp 7 tăng dần lên cấp 9 giật cấp 10 từ sáng sớm ngày 15/11. Hiện ở Huế trời đã tạnh, mưa gió lặng. Theo các cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế, qua nắm thông tin ban đầu, chỉ có một số cây xanh gãy đổ, hiện đang thống thiệt hại do bão 13 gây ra.
Tại Đà Nẵng, đến thời điểm này trời mưa nhỏ, gió giảm dần. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại tại TP Đà Nẵng.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo gió mạnh, sóng lớn xảy ra trên biển và nguy cơ nước dâng do bão vùng ven biển. Cụ thể, vùng hiển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao 4-5 m, biển động rất mạnh.
Phía bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4 m. Ngập úng nguy cơ xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Trên đất liền từ phía nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 cũng gây một đợt mưa lớn từ ngày 15/11 đến 16/11. Trong đợt này, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị hứng lượng mưa 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Vùng nguy hiểm do bão trên biển nằm từ vĩ tuyến 14 đến 19 độ vĩ bắc và phía tây kinh tuyến 109 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Ngày 15/11, mực nước trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) sẽ lên, mực nước trên sông Hương tiếp tục lên, các sông Quảng Nam xuống chậm.
Đến trưa cùng ngày, mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,0 m, dưới BĐ3 0,5 m; sông Hương tại Kim Long lên mức 2,8 m, dưới BĐ3 0,7 m. Đến sáng sớm mai (16/11), mực nước tại Kim Long xuống mức 2,6 m, trên BĐ2 0,6 m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức BĐ1, còn các sông Quảng Nam dao động ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Đắkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế) Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà (Đà Nẵng), Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam)…
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão số 12 giật cấp 12, Phú Yên, Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão số 12 đổ bộ
Tâm Đức