Đã có ít nhất 8 trường hợp nhiễm Covid-19 liên quan đến quán Bar Buddha này gồm các bệnh nhân 91, 97, 98, 120, 124, 125, 126, 127. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết cần đặc biệt chú trọng, thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh liên quan đến ổ dịch tại quán Bar Buddha.
Trước đó, sáng 26/3, BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã xuống Quận 2 làm việc với UBND Quận 2 về các ca bệnh liên quan đến quán bar trên. Ông Hưng chỉ đạo khẩn trương đưa những trường hợp là khách đến quán bar này về khu cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, những người được cách ly tập trung phải cách ly ở một phòng riêng. Đồng thời huy động tất cả lực lượng, kể cả điều động thêm các quận khác, các đơn vị khác của thành phố để hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Quán Bar Buddha đã đóng cửa sau khi một một phi công người Anh từng đến đây là bệnh nhân thứ 91 nhiễm Covid-19. Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết cơ sở này đăng ký giấy phép kinh doanh là nhà hàng, không phải quán bar nên được mở cửa sau ngày 15/3. Ngoài ra, theo giấy phép kinh doanh, quán ăn này mang tên Buddha bar.
Chủ tịch UBND quận 2 khẳng định: "Nếu đăng ký là Buddha bar thì sẽ không được cấp giấy phép vì gây tranh cãi về tôn giáo".
|
Đã có ít nhất 8 người dương tính Covid-19 từng ghé quán Bar Buddha
|
Như vậy, quán Bar Buddha đã hoạt động kinh doanh sai giấy phép bấy lâu nay.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trong trường hợp sau khi phát hiện nơi này có chứa mầm bệnh, có thể lây lan dịch bệnh cho cộng đồng và cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu dừng kinh doanh, đóng cửa để thực hiện các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nhưng cơ sở kinh doanh này không chấp hành, vẫn tiếp tục mở cửa đón khách thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể mức phạt được quy định như sau:
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây :
a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch ;
b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh ;
c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng .
Trong trường hợp, hành vi được xác định là “Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch...” thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt theo quy định tại khoản sáu điều này là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
|
Luật sự Đặng Văn Cường |
Luật sư Cường cho biết thêm: Trong trường hợp chính quyền địa phương, cơ quan phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm không thực hiện các biện pháp đối với cơ sở kinh doanh này thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, vấn đề này cần phải làm rõ để đảm bảo hoạt động chống dịch được hiệu quả, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Còn việc cơ sở kinh doanh này kinh doanh không đúng với giấy phép, không đảm bảo việc quy định về phòng cháy chữa cháy... hoặc có các hành vi vi phạm về kinh doanh khác thì sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định của pháp luật.
Còn đối với hành vi vi phạm quy định về phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay thì cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Trường hợp đã có văn bản ngăn chặn, cấm kinh doanh để phòng chống covid-19 nhưng chủ cơ sở này cố tình thực hiện hoạt động kinh doanh dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hậu quả chết người hoặc phải công bố dịch bệnh thì có thể xử lý hình sự đối với người vi phạm về tội làm lây lan bệnh dịch bệnh dịch nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng lên đến 12 năm tù.
>>> xem thêm clip: TP HCM tìm người từng chơi ở quán bar Buddha- Liên quan đến bệnh nhân 91
Xuân Diệp