Bất ngờ cơ quan lật tẩy nữ doanh nhân ở Thanh Hà lừa tiền tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Khi một trong số các nạn nhân của Lê Thị Hạnh mang hồ sơ đất tới làm thủ tục ở huyện, các nhân viên ở đây phát hiện có dấu hiệu làm giả, từ đó CQĐT vào cuộc lật tẩy bộ mặt thật của nữ doanh nhân ở Thanh Hà.

Trao đổi PV về quá trình điều tra vụ án nữ doanh nhân ở Thanh Hà, Hải Dương lừa đảo hàng tỷ đồng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương mới đây đã bắt giữ Lê Thị Hạnh (SN 1973) đề điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, đơn vị. Hiện cơ quan điều tra đã làm rõ việc Lê Thị Hạnh sử dụng nhiều sổ nhà đất, giấy tờ của ngân hàng lừa đảo của các bị hại với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Bị lật mặt từ công văn của huyện
Trước đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương nhận được công văn của Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà về việc đề nghị điều tra 2 bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất có dấu hiệu làm giả con dấu và chữ ký của Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà đối với các thửa đất ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà.
Bat ngo co quan lat tay nu doanh nhan o Thanh Ha lua tien ty
 Đối tượng Lê Thị Hạnh.
Quá trình xác minh,cơ quan cảnh sát điều tra xác định, Lê Thị Hạnh đã liên hệ với một đối tượng có tên Chính (Hạnh không biết họ và địa chỉ cụ thể), ở TP. Hải Dương làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà với giá 20 triệu đồng, sau đó đem bán cho ông Khương Viết Tùng (SN 1974, ở xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) với giá 1,35 tỷ đồng.
Theo tài liệu điều tra, vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2017, qua người thân, anh Khương Viết Tùng quen biết với Hạnh. Sau đó, Hạnh đã gạ bán cho anh Tùng 2 thửa đất ở thôn Phúc Giới (xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) với lý do cần vốn mở rộng kinh doanh xưởng may. Anh Tùng đồng ý mua và hẹn ngày xem đất và sau đó được Hạnh dẫn đi xem hai thửa đất có diện tích 190,8m² có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là AD 985657, mang tên người sử dụng là ông Lê Văn Hải và thửa đất thứ hai diện tích 1.394m², có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 985455, mang tên người sử dụng là bà Lê Thị Hồng.
Khi anh Tùng chấp nhận mua 2 thửa đất trên với giá trên 1,3 tỷ đồng, Hạnh và anh Tùng đã đến Văn phòng công chứng Thành Đô (số 90, đường Thống Nhất, TP Hải Dương) do bà Nguyễn Thị Thê là công chứng viên, làm Trưởng Văn phòng để làm hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất trên. Mọi giấy tờ liên quan đến 2 thửa đất trên đều do Hạnh cung cấp cho văn phòng công chứng. Để giảm tiền nộp thuế thu nhập cá nhân khi làm thủ tục chuyển nhượng, Hạnh và anh Tùng thống nhất giá trị chuyển nhượng mỗi thửa đất ghi trong hợp đồng công chứng là 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngày 22/12/2017, anh Khương Viết Tùng đã đem 2 bộ hồ sơ trên đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thanh Hà để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thì được thông báo là hồ sơ có dấu hiệu làm giả nên đã làm đơn trình báo Công an huyện Thanh Hà.
Qua xác minh và các tài liệu thu thập được, cùng với kết quả trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã có căn cứ xác định đây là giấy tờ giả.
Làm giả biên bản cam kết giải ngân của ngân hàng để lừa đảo
Ngoài ra, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương cũng nhận được đơn trình báo của Nguyễn Đức Sơn (trú tại phường Việt Hòa, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về việc bị nữ doanh nhân ở Thanh Hà lừa đảo 3,4 tỷ đồng.
Theo nội dung anh Nguyễn Đức Sơn trình báo, qua một người quen giới thiệu, anh đã cho Lê Thị Hạnh vay số tiền 3,4 tỷ đồng để chị Hạnh đáo hạn khoản vay với ngân hàng.
Để tạo lòng tin, Hạnh đã giao đã cho anh Sơn một số điện thoại nói là của nhân viên Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hải Dương (PGBank) tên là Lê Thị Hồng Điệp phụ trách khoản vay và một biên bản cam kết giả về việc giải ngân và khế ước nhận nợ chứng minh khoản vay số tiền 05 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hải Dương do Hạnh đứng tên.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn, Lê Thị Hạnh không trả tiền, tắt máy điện thoại. Khi đến ngân hàng PGBank để tìm hiểu, anh Sơn mới rõ biên bản cam kết giải ngân và khế ước nhận nợ mà chị Hạnh đưa mình đều không phải do ngân hàng PGBank phát hành ra.
Ngoài 2 vụ lừa đảo trên, bằng các thủ đoạn khác nhau, nữ doanh nhân còn lừa đảo nhiều người khác với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Tại cơ quan Công an, Lê Thị Hạnh khai rằng, trong quá trình làm ăn có tiếp cận và vay vốn của các cơ sở tín dụng đen. Vay vốn với lãi xuất cao, cùng với việc làm ăn không hiệu quả nên Hạnh đã nhanh chóng mắc nợ một số tiền lớn và đã phát sinh ý định làm giấy tờ giả lừa đảo người khác để lấy tiền trả nợ.
Hải Ninh