Bất ngờ người đàn ông cùng lúc có 3 giấy đăng ký kết hôn ở TP HCM

Google News

Theo luật sư, trường hợp một người có nhiều giấy kết hôn là hi hữu, nhưng không phải không có trong thực tế. Nguyên nhân là do có kẽ hở của pháp luật.

Câu chuyện hy hữu
Cho đến nay, những người làm việc ở TAND quận 4 (TP HCM) vẫn không thể quên câu chuyện cách đây hơn 5 năm của chị Ngọc (lúc đó 27 tuổi, quận Bình Thạnh), đang mang thai và quyết ly hôn với người chồng kết hôn với ba người vợ cùng lúc.
 
Là người trực tiếp giải quyết vụ án, thẩm phán Lê Thị Hằng, nguyên phó chánh án vô cùng mệt mỏi vì thái độ bất hợp tác của anh Hưng và phải ra đòn tâm lý mới có thể giải quyết vụ việc.
Theo hồ sơ, anh Hưng, quê Hà Tĩnh, hơn chị Ngọc 10 tuổi, làm pháp chế tại một ngân hàng ở quận 4, đẹp trai, có giọng nói trầm ấm. Người vợ anh cưới đầu tiên là chị Lan (quận Phú Nhuận). Người vợ thứ hai là chị Tuyết (quận 4).
Chị Ngọc là người vợ thứ ba. Cả ba đều cao ráo, xinh đẹp, có học thức và được anh Hưng tổ chức đám cưới đàng hoàng, đưa đi đăng ký kết hôn ở ủy ban phường.
Đầu năm 2011, chị Ngọc ra Hà Nội công tác thì gặp anh, khi cả hai ngồi chung dãy ghế trên máy bay. Anh Hưng chủ động làm quen, xin số điện thoại.
Sau khi được bạn trai dẫn về quê ra mắt, chị Ngọc đồng ý cưới, đi đăng ký kết hôn.Thời gian đầu, cuộc hôn nhân của họ vô cùng êm ấm. Nhưng chị Ngọc nghi ngờ khi thấy chồng thường xuyên vắng nhà không lý do, vào những thời điểm nhạy cảm, nhất là dịp lễ tết.
“Đang ở bên tôi, nhưng có điện thoại là anh ấy đi ngay”, chị kể. Năm 2012, thông qua mạng xã hội, chị Ngọc lên kế hoạch điều tra chồng và bàng hoàng nhận ra, anh Hưng còn có hai người vợ khác. Khi đó, chị đang mang thai ở tháng thứ 5, mới kết hôn chưa đầy một năm.
“Tôi rất sốc. Đến khi nghe chị Lan, chị Tuyết nói chuyện và đưa những hình ảnh đám cưới, tôi chỉ biết lạnh sống lưng vì cảm nhận được mình bị lừa. Thời gian qua, tôi sống với một tên Sở Khanh mà không biết.
Lúc yêu, nghĩ anh ấy là dân quê vào thành phố lập nghiệp, lại chăm chỉ làm ăn, học hành thành đạt nên tôi rất tin. Càng tin tưởng hơn khi anh ấy dẫn về quê gặp bố mẹ và họ hàng rồi hai bên nội ngoại gặp nhau, tổ chức đám cưới”, chị Ngọc kể.
Ba người vợ liên kết với nhau đưa sự việc ra ánh sáng, bằng cách thông báo cho người nhà, bạn bè của anh Hưng và cương quyết ra tòa chia tay.
TAND quận Phú Nhuận và TAND quận Bình Thạnh chấp nhận đơn của chị Lan, chị Tuyết, vì anh Hưng đồng thuận. Riêng vụ án ly hôn của chị Ngọc có tranh chấp tài sản chung là căn nhà nên rắc rối hơn.
Nhìn người phụ nữ bụng bầu vượt mặt phải lầm lũi ra tòa, thẩm phán Hằng khuyên: “Giờ anh ấy đã chấm dứt với hai người kia rồi chị hãy nghĩ đến con mà tha thứ cho người đàn ông ấy”.
Thế nhưng chị Ngọc vô cùng cương quyết không sống chung với người chồng dối trá. Ban đầu, anh Hưng một hai không chịu hợp tác, tìm đủ lý do để từ chối việc triệu tập của tòa, với thái độ ngang ngược.
“Lúc đầu, tôi, các luật sư và viện kiểm sát đều không biết làm cách nào cả. Thấy trong đơn chị Ngọc có đặt vấn đề tranh chấp tài sản, tôi nói ‘Nếu anh không đến thì tôi sẽ niêm yết hết tài sản để xét xử’ và đã hiệu nghiệm”, bà Hằng kể.
Ở tòa, anh Hưng tố vợ bêu xấu mình và làm vậy để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khi nghe tòa công bố lời khai của chị Lan và chị Tuyết, người chồng ấy đành phải đồng thuận ly hôn, căn nhà được chia đôi.
Theo thẩm phán Hằng, chuyện một người chồng có thể đăng ký kết hôn, làm đám cưới với cùng lúc ba người phụ nữ như anh Hưng là rất hiếm. Căn cứ luật hôn nhân gia đình, anh Hưng đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và sẽ bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, do sự việc đã chấm dứt nên không thể ra quyết định được. Lý giải việc cùng một lúc anh Hưng có thể làm giấy chứng nhận độc thân, đăng ký kết hôn với nhiều người, bà Hằng cho biết, do người đàn ông này có hai CMND và hộ khẩu ở quận Bình Thạnh và quận 4.
Chính sơ hở này đã giúp anh ta đạt được mục đích của mình. “Việc làm của anh Hưng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trái với đạo lý. Vụ án kết thúc tôi rất buồn và thương cho những người vợ”, vị thẩm phán nói.
Kẽ hở pháp luật
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, chuyện một người có nhiều giấy kết hôn là hi hữu, nhưng không phải không có trong thực tế.
Nguyên nhân là do có kẽ hở của pháp luật. Thứ nhất, giấy chứng nhận độc thân - phục vụ cho việc đăng ký kết hôn - chỉ 6 tháng là hết hạn. Nhiều người viện lý do mất, thất lạc để được cấp mới nhằm đạt mục đích cá nhân.
Thứ hai, Nghị định 158 của Luật Hộ tịch sửa đổi năm 2016 cho phép người dân có quyền tự cam kết và chịu trách nhiệm với phần khai báo về lý lịch, tình trạng hôn nhân... khi đi đăng ký tạm trú, làm hộ khẩu hoặc các giấy tờ tùy thân khác.
Thứ ba, thực tế hiện nay rất nhiều người có đến hai hộ khẩu ở hai địa phương, một ở quê, một nơi ở mới. Lý do là bởi, khi chuyển đến nơi ở mới, muốn nhập hộ khẩu thì người dân phải về chỗ cũ, báo với chính quyền địa phương cắt, nhưng có nhiều người chỉ thực hiện cắt khống mà thôi.
Đồng tình với ý kiến trên, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Dân sự - Hôn nhân gia đình, Đại học Luật TP HCM cho biết, hiện nay, nước ta chưa kiểm soát được việc công dân kết hôn hay chưa bằng phần mềm mang tính liên thông trong ngành tư pháp hộ tịch, mà chỉ địa phương nào nắm địa phương đó.
Thậm chí, cán bộ hộ tịch xã/phường, công an khu vực cũng không thể quản lý được điều này. Việc kiểm tra chỉ diễn ra tức thời, không liền mạch và bao quát. Vì thế nhiều người đã lách luật để làm những chuyện phi pháp.
“Một người mang bản án ly hôn của tòa, chứng tử của chồng/vợ, hoặc tờ giấy chứng nhận còn độc thân thì chẳng có lý do gì lại không được đăng ký kết hôn. Chính vì quá dễ như vậy mới xảy ra việc, một người có thể có nhiều giấy kết hôn.
Ở các nước phát triển, vì việc quản lý dữ liệu công rất tốt nên ai đó chỉ cần làm việc trái với đạo lý là họ biết ngay”, tiến sĩ Tiến nói.
Theo luật sư Hoan, những người có nhiều giấy kết hôn thường xảy ra khi vợ chồng đang trong tình trạng ly thân, công việc nay đây mai đó, có hai nơi cư trú hoặc cố tình để đạt được mục đích.
“Gian dối để kết hôn với nhiều người là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoan nói.
Ông cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng, một người đăng ký kết hôn với nhiều người cùng lúc là có sự tiếp tay hoặc làm việc lỏng lẻo của những người làm công tác hộ tịch.
Theo phapluatplus