Trước đó, ngày 10/10/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với Lê Văn Cảm (46 tuổi) và Ngô Đức Ly (49 tuổi, đều ngụ xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) để phục vụ công tác điều tra.
Quá trình điều tra xác định, 2 đối tượng trên đã lợi dụng Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 38/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013(sửa đổi bổ sung Quyết định số 48) của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của các tàu cá hoạt động trên vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm như sau: Đối với tàu có tổng công suất máy từ 90 - 150 CV, số tiền hỗ trợ/chuyến biển là 22 triệu đồng; đối với tàu có tổng công suất máy từ 150 - 250 CV, số tiền hỗ trợ/chuyến biển là 30 triệu đồng; đối với tàu có tổng công suất máy từ 250 - 400 CV, số tiền hỗ trợ/chuyến biển là 55 triệu đồng…
Tháng 6/2016, Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp 1 máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh VX-1700-AO-125 (số Seri No816Q400168) cho tàu cá BV 95554 TS công suất 290CV của ông Lê Văn Cảm theo chính sách nêu trên để khi đi đánh bắt xa bờ thì nhắn tin định vị vị trí vào máy tổng của Chi cục Thủy sản.
Sau khi kết thúc chuyến biển, căn cứ vào vị trí tọa độ đã nhắn tin, ông Cảm làm hồ sơ gửi Chi cục Thủy sản đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên, có những chuyến biển ông Cảm không trực tiếp đi đánh bắt xa bờ mà gửi máy định vị được cấp cho tàu cá của mình cho ông Ly - chủ tàu cá BV 95054 TS, trực tiếp đi đánh bắt xa bờ để ông Ly nhắn tin về máy tổng tại Chi cục Thủy sản giúp.
Trong hai năm 2016 và 2017, ông Cảm đã gửi máy định vị cho ông Ly tổng cộng 6 chuyến (năm 2016 gửi 4 chuyến, năm 2017 gửi 2 chuyến). Hình thức giao, nhận máy định vị là khi ra ngoài cửa biển hai tàu cá sẽ cập sát vào nhau và ông Cảm, ông Ly tiến hành giao, nhận máy để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Ngoài hình thức trên, có 2 lần ông Ly gặp trực tiếp vợ của ông Cảm để giao, nhận máy định vị. Những chuyến biển ông Cảm nhờ ông Ly nhắn tin giúp và ông Ly là người ghi thông tin tọa độ, thời gian vào mẫu tờ khai nhật ký hành trình cho tàu cá của ông Cảm (vì ông Ly biết tọa độ, thời gian nhắn tin) và trực tiếp làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền dầu, còn ông Cảm chỉ là người ký tên vào các hồ sơ.
Với cách thức đó, ông Cảm đã nhận được tiền hỗ trợ trong 6 chuyến biển nêu trên là 330 triệu. Mỗi chuyến gửi định vị, ông Cảm trích lại cho ông Ly 6 triệu/chuyến, tổng cộng ông Ly nhận được từ ông Cảm 36 triệu đồng.
Sau khi bị khởi tố, cả hai đối tượng đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt từ ngân sách Nhà nước để khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra, các điều tra viên PA09 cho rằng động cơ, mục đích phạm tội của các bị can là vì lợi ích kinh tế. Để các đối tượng thực hiện hành vi trục lợi bất chính của mình cũng có một phần là do thiết bị thông tin liên lạc có tích hợp định vệ tinh tuy đã được kẹp chì nhưng rất dễ tháo ra, dịch chuyển sang tàu khác.
Ngoài ra, các tàu cá khi xuất bến đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát nhưng khi ra đến cửa biển thì không có cơ quan nào tuần tra kiểm soát nên các đối tượng dễ hoán đổi thiết bị sang phương tiện khác để thực hiện hành vi trục lợi bất chính.
Theo Huỳnh Sơn/TTXVN