Bát nháo xe chở phế liệu cho Công ty Thép Hoà Phát Hưng Yên

Google News

Xe hết kiểm định, tự ý cơi nới thành thùng, thay đổi thùng nguyên bản...vô tư chở đầy phế liệu phục vụ cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên.

Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên sử dụng và tiếp nhận các phương tiện cơ giới chở phế liệu có dấu hiệu tự ý cơi nới thành thùng, thay đổi thiết kế, hết đăng kiểm gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Xe hết đăng kiểm, hoán đổi thùng hàng
Theo phản ánh, cả ngày và đêm, khu vực nhà máy tiếp nhận và xử lý phế liệu của Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên tại khu công nghiệp Phố Nối A (tỉnh Hưng Yên) luôn dồn dập tiếng máy cẩu, xe tải bốc xúc, vận chuyển phế liệu. Hầu hết các xe tải tham gia hoạt động này đều có dấu hiệu không bảo đảm an toàn kỹ thuật, tự ý cơi nới, thay đổi kết cấu thành thùng trái quy định. Thậm chí, sử dụng xe hết đăng kiểm để kinh doanh vận tải phế liệu kiếm lời.
Bat nhao xe cho phe lieu cho Cong ty Thep Hoa Phat Hung Yen
 Nhà máy phân loại, xử lý phế liệu của Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên tại khu công nghiệp Phố Nối A luôn đón nhận hàng trăm xe tải có dấu hiệu vi phạm giao thông.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, trong nhiều ngày từ tháng 5 đến tháng 8/2024, bất kể mờ sáng hay tối mù, từ Quốc lộ 5 và Quốc lộ 39 luôn có đoàn xe tải chở phế liệu (sắt, kim loại thải) nối đuôi nhau chạy vào tuyến đường ĐH13 (nay là tỉnh lộ 318C) qua địa bàn các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ để vào cổng nhà máy phân loại, xử lý phế liệu Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đổ hàng.
Quan sát bằng mắt thường, thùng xe chở phế liệu của các phương tiện giao thông này đều đã cũ nát, thủng rách và chắp vá. Phần lớn các xe đều có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng và luôn trong tình trạng phế liệu sắt, kim loại sắc nhọn chất đống cao trên thùng xe mà không được phủ bạt, che kín.
Thậm chí, nhiều phương tiện sử dụng loại thùng giả container đã hoen gỉ, cũ nát và “hàn chết” vào rơ moóc để vận chuyển phế liệu cho Công ty Hoà Phát. Đặc biệt, nhiều xe có dấu hiệu “hoán đổi” thùng xe, thay thế hoàn toàn kết cấu khung sườn, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ và quy chuẩn thiết kế xe, gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Bat nhao xe cho phe lieu cho Cong ty Thep Hoa Phat Hung Yen-Hinh-2
Loạt xe của Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên tự ý cơi nới thành thùng và cồng kềnh chở phế liệu qua tuyến đường giao thông TL318C.
Cụ thể, các xe tải BKS 89C – 163.47, 89C – 167.94, 89C – 241.03…theo giấy đăng ký thuộc sở hữu là Công ty Hoà Phát đều cơi nới thành thùng với chiều cao gấp đôi thành thùng nguyên bản. Những chiếc xe này liên tục chất đống phế liệu cao hơn cả nóc cabin, không che phủ bạt và vô tư di chuyển từ nhà máy phân loại, xử lý cắt qua tuyến đường giao thông TL318C để vào nhà máy luyện cán thép Hoà Phát gây nguy cơ TNGT.
Bat nhao xe cho phe lieu cho Cong ty Thep Hoa Phat Hung Yen-Hinh-3
So sánh từ hình ảnh thực tế và hình ảnh dữ liệu đăng kiểm cho thấy hành vi tự ý cơi nới thành thùng xe của Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên.
Còn tại cổng nhà máy tiếp nhận phế liệu của Hoà Phát luôn trong tình trạng hàng chục xe tải nối đuôi nhau nằm chờ đổ hàng. Điển hình như các xe BKS: 89C – 047.96, 89C – 068.01, 89H – 031.28, 89H – 026.96, 89C - 199.75, 89C – 237.99, 89C – 138.05,… đều có dấu hiệu thay đổi kích thước thành thùng, sai thiết kế của nhà sản xuất và thùng xe luôn rách thủng làm trơ lòi phế liệu ra bên ngoài.
Như xe tải BKS 89C – 237.99, được đăng kiểm gần nhất vào ngày 10/6/2024. Đối chiếu hình ảnh thùng xe thực tế với hình ảnh thiết kế thùng xe ban đầu (hồ sơ thiết kế xe từ nhà sản xuất) cho thấy, các khung sườn của thùng đã bị thay đổi từ thẳng đứng thành so le. Trong khi, theo hồ sơ đăng kiểm, chiếc xe này chỉ từng được đăng ký cải tạo phương tiện về việc lắp đặt mui lướt gió trên nóc cabin và yêu cầu phải giữ nguyên các hệ thống tổng thành khác.
Với xe tải BKS 89H – 026.96, hình ảnh thực tế cho thấy thùng xe đã bị “phình bụng”, méo mó và hoen gỉ và được hàn nối “chết” vào thành khung rơ moóc.
Đặc biệt, xe tải BKS 89C - 199.75 được trang bị một loại thùng khác hoàn toàn so với thiết kế thùng nguyên bản và có chiều cao vượt qua nóc cabin xe để thường xuyên chở đầy phế liệu cho Công ty Hoà Phát.
Theo dữ liệu kiểm định, xe BKS 89C - 199.75 là loại xe tải chuyên dùng với thiết kế thùng chở Pallet chứa gỗ. Tuy nhiên, thực tế chiếc xe này đang sử dụng thùng tự đổ cao gần 3 mét. Đáng chú ý, chiếc xe này đã hết hạn kiểm định từ ngày 1/5/2024.
Bat nhao xe cho phe lieu cho Cong ty Thep Hoa Phat Hung Yen-Hinh-4
 Xe BKS 89C - 199.75 sử dụng thùng khác so với thiết kế, đăng kiểm để chở phế liệu phục vụ cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên.
Tương tự, xe tải BKS 89C – 138.05 với “hình hài” cũ nát, thùng cơi nới, chắp vá và hết hạn kiểm định từ ngày 27/8/2022 nhưng vẫn vô tư chở phế liệu và được Công ty Hoà Phát đón nhận.
Bat nhao xe cho phe lieu cho Cong ty Thep Hoa Phat Hung Yen-Hinh-5
Xe tải BKS 89C – 138.05 hết kiểm định vẫn vô tư chở phế liệu và được Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đón nhận.
Công ty Hoà Phát vô can?
Thông qua bộ phận truyền thông của Công ty Hoà Phát, ông Trần Thanh Tùng - Phó Giám đốc Nhà máy luyện cán thép Hòa Phát Hưng Yên cho biết, hiện tại nhà máy có 2 phân khu sản xuất đều nằm trong KCN Phố Nối A, Hưng Yên. Một khu chuyên xử lý, phân loại phế liệu làm đầu vào cho sản xuất và một khu tổ hợp luyện cán thép. Do quỹ đất 2 khu cách nhau khoảng 300m nên bắt buộc phải dùng xe tải vận chuyển sau khi phân loại xử lý phế liệu đảm bảo sản xuất.
Theo ông Trần Thanh Tùng, các xe của công ty có đăng kiểm đầy đủ và chỉ phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho sản xuất, lưu thông nội bộ giữa 2 nhà máy trong KCN Phố Nối A với chiều dài cung đường 300m, không kinh doanh vận tải.
Lý giải về hành vi tự ý cơi nới thành thùng cho xe tải chở phế liệu, ông Trần Thanh Tùng cho rằng, một số xe tải có gá thêm thành, nắp đậy là để tránh rơi vãi phế liệu khi di chuyển (các thanh thép ngắn) và đảm bảo an toàn cho CBCNV và mọi người xung quanh, xe không chở quá tải trọng.
Đối với các xe tải chở phế liệu khác đến Công ty Hoà Phát Hưng Yên, ông Trần Thanh Tùng cho biết, đây là xe của các đối tác, nhà cung cấp phế liệu.
“Do cần thu mua lượng lớn phế liệu trong nước và nhập khẩu để sản xuất, hàng ngày các đối tác, nhà cung cấp vận chuyển và giao hàng cho nhà máy. Các đối tác, nhà cung cấp phải tự chịu trách nhiệm về các phương tiện vận tải lưu thông trên đường. Trong hợp đồng thu mua, Công ty có ghi rõ yêu cầu đối tác tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành liên quan, trong đó có Luật Giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm”, Phó Giám đốc Nhà máy luyện cán thép Hòa Phát Hưng Yên phản hồi thông tin phản ánh.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trên của Báo Tri thức và Cuộc sống, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Đội trưởng Đội CSGT-TT huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên khẳng định, tuyến đường ĐH13, nay là Tỉnh lộ 318C chạy qua khu công nghiệp Phố Nối A là tuyến đường giao thông, không phải là đường nội bộ khu công nghiệp và tuyến này hiện chưa phân cấp rõ cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.
“Sau phản ánh, đơn vị sẽ trao đổi, phối hợp với Đội CSGT của Phòng CSGT tỉnh Hưng Yên kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có”, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường nói và cho biết, không chỉ kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông. Trường hợp phát hiện các xe có dấu hiệu chở phế liệu không có hoá đơn, chứng từ và nguồn gốc, đơn vị cũng sẽ tham mưu, kiến nghị, phối hợp với lực lượng công an kinh tế vào cuộc xác minh, xử lý.
Vấn đề đặt ra, nhà máy xử lý, phân loại phế liệu của Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên tại khu công nghiệp Phố Nối A (tỉnh Hưng Yên) được xác định là điểm đến, điểm tiếp nhận hàng hoá của các xe chở phế liệu. Vậy, Công ty Hoà Phát có trách nhiệm gì trong việc quản lý phương tiện và bốc xếp hàng đúng tải trọng tại bến bãi? Và trong quy định bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động tại khu sản xuất, Công ty này có kiểm soát phương tiện, thiết bị không bảo đảm an toàn kỹ thuật?.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều xe chở đá quá tải trọng, rơi vãi ở đường Hòa Lạc - Hòa Bình:

 

Thiên Tuấn