Bất thường vụ giao con nhờ chữa bệnh…nhận tro cốt ở Lâm Đồng

Google News

Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục điều tra vụ giao con chữa bệnh nhưng bất ngờ nhận về hũ tro cốt đang khiến dư luận quan tâm.

Ông N.H.N (SN 1977) trú tại TP Huế mới đây có đơn tố cáo tới cơ quan chức năng về cái chết của con trai ông là cháu N.L.M.Q (SN 2019). Ông N. cho biết, khi biết ông L.M.Q (SN 1977, trú đường Nguyễn Bính, TP Huế) có cơ sở điều trị bệnh chậm phát triển, trẻ tự kỷ tại TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), ngày 3/3, ông N đã đưa con trai vào giao cho ông này chữa trị. Thời gian điều trị từ 2-3 năm, chi phí điều trị theo thỏa thuận của các bên là 200 triệu đồng/tháng, đặt cọc trước 600 triệu đồng.
Bat thuong vu giao con nho chua benh…nhan tro cot o Lam Dong
Gia đình anh N. làm đám tang cho con trai sau khi nhận được hũ tro cốt. 
Tuy nhiên, ngày 27/3, vợ chồng ông N bất ngờ nhận được một hũ đựng tro cốt của con trai mình từ ông từ ông L.M.Q. và được người đàn ông này cho biết, con ông N đã tử vong ngày 25/3/2022 vì bị COVID-19 và đã được ông tự thiêu. Đáng chú ý, nơi ông Q xưng là cơ sở điều trị bệnh tự kỷ, trẻ chậm pháp triển là nhà dân, được ông Q thuê lại và không được cơ quan chức năng cấp phép điều trị bệnh như ông Q tự giới thiệu.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho rằng, đây là vụ việc hi hữu và nghiêm trọng bởi cháu bé đã tử vong và thủ tục mai táng có dấu hiệu bất thường. Gia đình cháu bé có quyền tố cáo và cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, việc điều trị trẻ tự kỷ có thể kết hợp nhiều biện pháp từ y tế, giáo dục, tâm lý... Các cơ sở giáo dục, điều trị trẻ tự kỷ có sự quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật.
“Trường hợp giáo dục trẻ tự kỷ mà có sử dụng thuốc hoặc các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh thì phải do tổ chức khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của luật khám chữa bệnh. Đối với hoạt động giáo dục với trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ cũng phải có sự quản lý của nhà nước, người tổ chức hoạt động giáo dục phải có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp. Nếu điều trị trẻ tự kỷ bằng biện pháp can thiệp bằng y tế phải tuân thủ các quy định của luật khám chữa bệnh”, ông Cường nói.
Từ đó, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ người nhận điều trị trẻ tự kỷ trong trường hợp này có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hay không? Phương pháp, biện pháp điều trị trẻ tự kỷ được thực hiện như thế nào, có cơ sở khoa học hay không?
Bat thuong vu giao con nho chua benh…nhan tro cot o Lam Dong-Hinh-2
Căn nhà nơi ông Q tự giới thiệu là cơ sở điều trị bệnh tự kỷ. (Ảnh: CAND) 
Trường hợp có căn cứ cho thấy việc đào tạo, điều trị trẻ tự kỷ không có giấy phép, không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cá nhân điều trị trẻ tự kỷ đã đưa ra thông tin gian dối để nhận tiền của phụ huynh rồi chiếm đoạt, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Khi đó, cần phải xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng chế tài hình sự. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với vấn đề cháu bé tử vong do mắc COVID-19 và sau đó được hỏa táng mà không báo với chính quyền sở tại theo như tố cáo, cơ quan điều tra sẽ làm rõ cháu bé có mắc bệnh hay không, nếu cháu bé mắc bệnh, việc điều trị được thực hiện như thế nào, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong.
Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh covid-19 có trách nhiệm phải thông báo cho cơ sở y tế ở địa phương. Trường hợp cháu bé đang trong cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà mắc bệnh và tử vong cũng phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng và phải báo cho gia đình biết về việc cháu bé tử vong, nguyên nhân tử vong và các giải pháp trước đó đã thực hiện.
"Nếu việc cháu bé mắc bệnh rồi tử vong mà không báo cho cơ quan chức năng, sau khi hỏa táng mới báo cho gia đình thì đây là vấn đề bất thường, cần phải làm rõ. Cần có câu trả lời rõ ràng cho gia đình cháu bé", luật sư Cường nói.
Trường hợp có căn cứ cho thấy những thông tin mà người quản lý cho bé đưa ra là không đúng sự thật, cháu bé tử vong không phải là do mắc bệnh, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.
Nếu kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị hành hạ, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm phạm đến tính mạng của cháu bé, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Điều đáng chú ý trong vụ việc này là cháu bé đã bị hỏa táng nên việc tìm kiếm dấu vết trên thân thể là không thể thực hiện được. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ quá trình điều trị, chăm sóc cho cháu bé được thực hiện như thế nào, cháu bé mắc bệnh từ khi nào và việc điều trị có do cán Bộ Y tế có chuyên môn thực hiện hay không. Việc cháu bé tử vong có báo cáo với chính quyền địa phương hay không?
Luật sư Cường tin rằng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra vẫn có thể làm sáng tỏ nguyên nhân của vụ việc để có căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm, có dấu hiệu hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lời khai mâu thuẫn nhau:
Chiều 12/9, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, vẫn đang điều tra, giải quyết đơn tố giác tội phạm liên quan vụ việc trên.
Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay khi tiếp nhận đơn tố giác, lãnh đạo Công an tỉnh đã giao Phòng CSHS phối hợp với Công an TP Bảo Lộc mời ông L.M.Q. và một người phụ nữ tên T lên làm việc. Đáng chú ý, quá trình làm việc, hai người này có những lời khai mâu thuẫn. Lúc nói đốt xác cháu bé ở tỉnh Đắk Lắk, lúc lại khai đốt xác ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Khi cơ quan điều tra yêu cầu đưa đến các địa điểm trên để kiểm tra, xác minh, ông Q đưa ra giấy tờ bị ốm, sức khỏe yếu nên chưa đi được.
Quá trình điều tra, ông N có đơn xin rút lại tố cáo. Đến ngày 3/8, ông N gửi đơn tố cáo trở lại. Trong quá trình mời làm việc, ông N cũng trình bày lý do đau ốm, xin vào chậm. Ngày 9/9 mới đây, vợ chồng ông N mới vào làm việc, bàn giao mẫu tóc của vợ ông và một số hiện vật được cho là mẫu xương của cháu Q để cơ quan chức năng tiến hành giám định ADN. Ngày 12/9, Công an tỉnh Lâm Đồng đã đem các mẫu trên đi TP HCM để giám định.
Thượng tá Đặng Văn Kiên, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, sở dĩ trước đó có chuyện tạm đình chỉ tố giác tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm (ngày 16/8) là do phải thực hiện theo thủ tục tố tụng (có quy định thời hạn). Tuy nhiên, Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục các hoạt động điều tra liên quan, khi có kết quả giám định, nếu có căn cứ sẽ phục hồi điều tra ngay.
Nơi tự xưng là cơ sở nhận nuôi, điều trị bệnh tự kỷ là căn nhà cấp 4 thuê:
Căn nhà ở địa chỉ số 54/39 Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng không như ông L.M.Q giới thiệu là cơ sở điều trị có bể bơi, sân vườn, đầy đủ tiện nghi... mà chỉ là một nhà trọ cấp 4 do ông Q thuê để sinh sống vào đầu năm 2022. Căn nhà này có 2 phòng ngủ, 1 chỗ bếp nấu ăn và 1 nhà vệ sinh. Trong nhà không có các tiện nghi và các thiết bị liên quan đến việc chữa trị. Người dân khu vực cho biết ông Q. đến thuê nhà hơn 6 tháng và không hề biết trong nhà trọ này có chữa bệnh cho trẻ tự kỷ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhận biết sớm dấu hiệu tự kỷ ở trẻ:

Nguồn: VINMEC

Hải Ninh