Vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018 lại nóng lên khi tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, báo chí đề cập việc cuối tháng 10 vừa qua, TAND tỉnh Hà Giang khi xét xử vụ án gian lận thi cử tại tỉnh này đã có kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) xem xét vụ gian lận của 2 trường hợp đỗ trường Công an năm 2017 và kiến nghị mở rộng điều tra việc có hay không gian lận thi cử năm 2017 tại Hà Giang.
Nói về việc này, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, về vấn đề gian lận thi cử tại một số địa phương, thời gian qua Bộ Công an và một số cơ quan liên quan đã tiến hành điều tra, xử lý quyết liệt và nhiều người vi phạm đã bị xử lý nghiêm, đúng tội.
Đồng thời cho biết, Bộ Công an đã nhận được kiến nghị của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang liên quan đến gian lận thi cử năm 2017 và Bộ Công an đã tiến hành điều tra.
|
Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang. |
“Chúng ta đã xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018, 2019 thì không lý do gì Bộ Công an không tiếp tục tiến hành. Thậm chí cả các vụ gian lận trước đó, Bộ Công an cũng sẽ tiến hành điều tra xử lý” - ông Tô Ân Xô khẳng định.
Trước đó, từ ngày 14 đến 18/10, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang đã diễn ra. HĐXX tuyên án bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8 năm tù và Vũ Trọng Lương 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Cùng với đó, bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung lĩnh 2 năm tù, Phạm Văn Khuông 1 năm tù về tội Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Đáng chú ý, Hội đồng xét xử đã đề nghị làm rõ ý kiến của các luật sư về 2 thí sinh tại điểm thi Xín Mần là các trường hợp cá biệt nhưng đạt điểm cao, trúng tuyển vào trường công an năm 2017.
Đồng thời đề nghị Sở GD&ĐT Hà Giang lưu giữ toàn bộ bài thi của của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để phục vụ công tác điều tra, làm rõ thông tin cho rằng 2 thí sinh này mỗi người phải "chạy" tổng cộng 1 tỷ đồng để đỗ đại học.
Bên cạnh kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) xem xét mở rộng điều tra việc gian lận thi cử năm 2017 tại Hà Giang, dư luận cũng mong muốn cơ quan công an mở rộng điều tra kỳ thi THPT năm 2017 tại hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Cụ thể, theo cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án gian lận kỳ thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình mới đây được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, trong số 65 thí sinh được các bị can can thiệp, nâng điểm thi ngoài 64 thí sinh tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 còn có 1 thí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Cáo trạng cũng truy tố 15 bị can về các tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.
Trong số 15 bị can bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" có Nguyễn Quang Vinh - nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình; Đỗ Mạnh Tuấn; Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí); Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên phòng Khảo thí); Khương Ngọc Chất (nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình).
Ngoài tội danh trên, ông Nguyễn Khắc Tuấn còn bị truy tố về tội "Nhận hối lộ"; ông Hồ Chúc (giáo viên Trường THPT Thanh Hà) bị truy tố tội "Đưa hối lộ".
Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, các bị can Nguyễn Quang Vinh, Diệp Thị Hồng Liên, Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà, Khương Ngọc Chất cùng các bị can khác là những người có chức vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức thi, công tác chấm thi. Các bị can Lê Thị Hồng và Hồ Chúc là giáo viên, có chức vụ, quyền hạn trong ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ cá nhân để câu kết, can thiệp nâng điểm bài thi cho 65 thí sinh.
Như vậy, đã có dấu hiệu sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 khi một thí sinh được phát hiện được can thiệp điểm thi. Cơ quan công an cần mở rộng điều tra toàn bộ kỳ thi này để đảm bảo sự khách quan, nếu có thí sinh, cán bộ vi phạm cần xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành.
Liên quan gian lận thi cử tại Sơn La, tại phiên xét xử giữa tháng 10/2019, HĐXX đã đồng ý với quan điểm của đại diện VKSND tỉnh Sơn La ra quyết định trả hồ sơ vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018, yêu cầu điều tra lại vì nhận thấy có một số tình tiết cần làm rõ, trong đó có dấu hiệu của tội đưa và nhận hối lộ.
Bên cạnh làm rõ hành vi hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ của các bị cáo và những người liên quan, dư luận cũng đề nghị cơ quan công an cần mở rộng điều tra kỳ thi THPT năm 2017 bởi từ năm này dư luận đã có thông tin về việc muốn chạy điểm thi thì nên gặp ai ở Sở GD&ĐT.
Trước đó, vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 khiến dư luận rung động. Theo kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 114 thí sinh Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Hòa Bình có 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh năm 2017 với 140 bài thi được sửa điểm. Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài Ngữ văn có sự can thiệp. Mức điểm nâng tối đa là 9,25 cho một bài thi.
>>> Mời độc giả xem video Gặp lại người đầu tiên lên tiếng về gian lận thi cử:
Tâm Đức