Bé trai tử vong sau ca mổ lấy đinh ở tay: Trách nhiệm BV Bình Phước?

Google News

(Kiến Thức) - Công an tỉnh Bình Phước đã chính thức vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân cháu bé rơi vào tình trạng nguy kịch khi mổ lấy đinh ở tay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Dư luận đặt câu hỏi, liệu bệnh viện này có phải chịu trách nhiệm?

Ngày 19/7, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) đã thông tin đến chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước về việc bé Lữ Đoàn Phi C (7 tuổi) tử vong sau gần 5 ngày nhập viện cấp cứu tại bệnh viện này. Cùng ngày, gia đình đã đưa thi thể bé về quê nhà tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.
Bé Lữ Đoàn Phi C được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch sau ca mổ lấy đinh nẹp xương gãy tay trái tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.
Do bức xúc trước sự việc trên và cho rằng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bé, gia đình đã làm đơn tố cáo Bệnh viện Bình Phước đến cơ quan công an và các đơn vị liên quan.
Be trai tu vong sau ca mo lay dinh o tay: Trach nhiem BV Binh Phuoc?
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Ảnh: NLĐ
Ngay trong ngày 19/7, Công an tỉnh Bình Phước đã chính thức vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân cháu bé rơi vào tình trạng nguy kịch khi mổ lấy đinh ở tay. Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước Quách Ái Đức cũng thông tin cho biết Sở Y tế Bình Phước đang chờ báo cáo của bệnh viện để có hướng xử lý.
Theo anh Lữ Đoàn Thủy, bố bé Lữ Đoàn Phi C, vào đầu tháng 4/2020, cháu C. bị gãy tay trái, được Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước chẩn đoán: Gãy kín trên lồi xương cánh tay trái, vỡ hố khuỷu trái. Ngày 4/4, cháu C. được mổ phẫu thuật để nắn chỉnh bằng 3 cây đinh. Ngày 8/4, cháu bé xuất viện, sức khỏe bình thường. Sau khi xuất viện, cháu Công vẫn đến trường, học tập bình thường.
Đến khoảng 8h sáng 14/7, cháu C được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để tiến hành mổ tháo đinh nẹp ở tay trước đó. Tuy nhiên đến 19h cùng ngày, phía gia đình đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 để cấp cứu. Sau gần 5 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, đến sáng 19/7, bé Công đã tử vong.
Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, khi bé C. nguy kịch được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước họp chuyên môn khẩn để báo cáo về ca mổ tháo đinh nẹp xương ở tay của bé Công khiến bệnh nhân hôn mê, nguy kịch.
Dư luận đặt câu hỏi, liên quan đến vụ việc này, liệu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước có phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin bé trai biến chứng và tử vong sau khi mổ lấy đinh nẹp xương gãy tay trái khiến nhiều người bất ngờ. Bởi ai cũng nghĩ mổ rút đinh là chuyện bình thường, không ngờ sự cố đã khiến cháu bé thiệt mạng. Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân để có kết luận và có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có những nhầm lẫn, sai sót trong ca mổ này tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc đến hậu quả nạn nhân tử vong, người có lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi có lỗi, dù là lỗi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng đến người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể là tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, có thể là tội vô ý làm chết người, tùy thuộc vào hành vi cụ thể...
Tuy nhiên, nếu nạn nhân tử vong là nguyên nhân khách quan, các y bác sĩ đã thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc thì trách nhiệm hình sự mới không đặt ra.
Trường hợp gãy tay cũng ít khi tử vong, nếu mổ rút đình mà tử vong, đó là chuyện bất thường, có thể là nạn nhân sốc phản vệ hoặc sự cố y khoa nào đó, cũng có thể là nhầm lẫn trong việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ.
Ngoài trách nhiệm pháp lý có thể đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có sai phạm thì bệnh viện này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại ở đây gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần... Hai bên chủ động thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
“Cho dù nguyên nhân gì dẫn đến việc cháu bé tử vong thì đây cũng là điều đáng tiếc, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra, xác định nguyên nhân của sự việc còn để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, để các ca phẫu thuật tiếp theo ít rủi ro hơn, tránh những cái chết oan uổng của bệnh nhân”- luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Rơi từ chung cư cao tầng, bé trai Hà Nội tử vong

Nguồn: VTC 14

Tâm Đức