Tối ngày 8/3, Bộ Y tế cho biết đã phát hiện thêm một ca mới nhiễm virus SARS-COV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 30. Đáng chú ý, có đến 9 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung từ Anh về Việt Nam và 2 người tiếp xúc gần với bệnh nhân ca nhiễm thứ 17 này đã xác định dương tính COVID-19.
Dư luận đặt câu hỏi, bệnh nhân thứ 17 gây bùng dịch covid-19 ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, kiểm dịch sân bay Nội Bài có phải chưa sát sao khi bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm? Người đứng đầu có phải chịu trách nhiệm? Trường hợp nữ bệnh nhân khai báo gian dối để qua mặt lực lượng kiểm soát dịch tại sân bay sẽ bị xử lý như thế nào?
|
Nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung. Ảnh: BSCC |
Kiểm soát dịch tại sân bay Nội Bài “lọt” ca bệnh nguy hiểm, có phải chịu trách nhiệm?
Theo tìm hiểu, để phòng chống, ngăn ngừa dịch COVID-19, sân bay Nội Bài được bố trí 3 lực lượng cùng rà soát hành khách nhập cảnh gồm lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), lực lượng An ninh cửa khẩu (Bộ Công an) và an ninh sân bay (ACV).
Mới đây, trao đổi với báo chí, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) – đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay, cho biết bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Tuấn cho biết, dù khi hành khách khai xong, CDC đã phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác.
Đáng chú ý, khi lực lượng an ninh cửa khẩu Nội Bài kiểm tra hộ chiếu của hành khách này cũng không phát hiện dấu vết hành khách từng đến Italy. Do vậy đã không yêu cầu cách ly ngay từ sân bay.
|
Kiểm dịch y tế ở sân bay Nội Bài. Ảnh: VNE |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, khi đã công bố tình trạng dịch bệnh xảy ra ở một quốc gia, việc kiểm dịch y tế biên giới được thực hiện bắt buộc đối với các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, đường thủy.
Việc kiểm dịch y tế biên giới được thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Mức độ thấp nhất là người đi qua vùng dịch, có tiếp xúc với tác nhân gây bệnh hoặc người có biểu hiện của bệnh lý. Mức độ cao hơn là tiến hành kiểm dịch y tế biên giới, yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả các công dân nước ngoài và từ nước ngoài về khi nhập cảnh vào nước đã công bố tình trạng dịch bệnh và tiến hành mạnh mẽ các hoạt động xử lý y tế.
Biện pháp hành chính bắt buộc có thể áp dụng để hạn chế quyền công dân trong trường hợp nhiễm bệnh dịch là cách ly y tế theo quy định tại điều 49 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Nghị Định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/ 2010 cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Theo đó quy định các trường hợp đối tượng áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà và cách ly tại cơ sở y tế, cách ly y tế tại cửa khẩu.
Trong đó, biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp: Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A; Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.
Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.
Như vậy, có thể thấy nếu bệnh nhân thứ 17 đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm này và có biểu hiện của bệnh lý thì bắt buộc phải khai báo y tế và thực hiện thủ tục cách ly theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung đã không khai báo y tế về việc mình có biểu hiện bệnh lý mệt mỏi, khó thở, ho... Đã từng tiếp xúc với người đang mắc bệnh nên không bị cách ly y tế tập trung. Chính việc khai báo không trung thực hoặc không khai báo của người phụ nữ này khiến người này đã lọt khỏi vùng kiểm soát và trở về nhà.
Nếu tại thời điểm người này nhập cảnh vào Việt Nam, những khu vực ca bệnh thứ 17 này đi qua chưa bị công bố tình trạng dịch bệnh, người này sẽ không thuộc trường hợp bắt buộc phải khai báo y tế. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ 26 tuổi này có biểu hiện bệnh lý hoặc đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh COVID-19 thì mới bắt buộc phải khai báo y tế và kiểm tra y tế bắt buộc đồng thời bị bắt buộc cách ly tập trung theo quy định.
Luật sư Cường cho rằng, do Nguyễn Hồng Nhung khai không trung thực nên cơ quan chức năng tại cửa khẩu Nội Bài không có lỗi trong việc bỏ lọt người phụ nữ này.
Đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch quốc gia đã chuyển trạng thái, yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam.
“Bởi vậy, kể từ thời điểm quy định về mở rộng phạm vi khai báo y tế mà cơ quan chức năng không thực hiện thủ tục yêu cầu những người nhập cảnh khai báo y tế thì họ mới có lỗi còn nếu khai báo gian dối, sai sự thật dẫn đến bỏ lọt người nhiễm bệnh vào lãnh thổ Việt Nam thì người khai báo gian dối phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Khai báo gian dối, gây bùng dịch, có thể bị truy trách nhiệm hình sự?
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Nguyễn Hồng Nhung đã khai báo gian dối khiến hàng chục người khác nhiễm bệnh gây hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm pháp lý của cô gái này, có thể xử phạt hành chính hoặc xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu những người bị nhiễm bệnh có yêu cầu bồi thường thì có thể còn bị bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm c, khoản 3, điều 12, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi “Che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế.” sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là cưỡng chế cách ly theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy, hành vi che giấu tình trạng sức khỏe đến mức phải thực hiện kiểm dịch y tế biên giới cửa khẩu hàng không, che giấu thông tin về việc đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh và hành vi vi phạm pháp luật có thể xử phạt đến 10.000.000 đồng nên người phụ nữ này ít nhất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật này sau khi đã điều trị khỏi bệnh.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Thời điểm hiện nay, việc điều trị cho nữ bệnh nhân này là hết sức cần thiết và hy vọng bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Trong trường hợp khỏi bệnh, người phụ nữ này vẫn phải chịu các chế tài của pháp luật trong đó có cả nguy cơ bị xem xét trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với những người mà người này có lỗi, gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản, tính mạng của họ.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người phụ nữ này nhận thức được mình có thể nhiễm bệnh nhưng cố tình trốn tránh việc khai báo y tế, kiểm tra xử lý tế dẫn đến việc mày làm dịch bệnh cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm đây làm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Cụ thể, Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, người nào đưa vào lãnh thổ Việt Nam những động vật, thực vật, vật phẩm hoặc những thứ khác có khả năng đi truyền bệnh dịch nguy hiểm hoặc có hành vi khác làm lân lan dịch bệnh cho người thì sẽ bị xử lý hình sự.
>>> Xem thêm video: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phỏng vấn về trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 17
Luật sư Cường phân tích, lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp: Biết có thể làm dịch bệnh vào Việt Nam, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng xã hội (hành vi là nguy hiểm cho xã hội) nhưng cố ý thực hiện hành vi, vượt qua hoạt động kiểm soát, kiểm dịch y tế của cơ quan chức năng, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả bệnh dịch lây lan có thể xảy ra. Do vậy, hành vi trốn tránh kiểm tra y tế, cách ly y tế thỏa mãn dấu hiệu chủ quan của tội danh này.
Hậu quả làm người khác bị nhiễm bệnh là hậu quả bắt buộc của tội danh này, nếu hậu quả dẫn đến phải công bố tình trạng dịch bệnh của chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ y tế hoặc làm chết người thì hình phạt sẽ đến 10 năm tù, trong trường hợp làm chết hai người thì hình phạt có thể đến 12 năm tù...
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ tích cực điều trị, chữa trị cho bệnh nhân này, sau khi bệnh nhân này khỏi bệnh sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan và làm rõ hậu quả của việc trốn tránh kiểm dịch ý tế biên giới để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với người phụ nữ này theo quy định của pháp luật nêu trên.
Trường hợp những người bị người này lây bệnh bị tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và có căn cứ rõ ràng cho thấy người phụ nữ này đã có lỗi dẫn đến những thiệt hại đó thì những người bị nhiễm bệnh, lây bệnh từ người phụ nữ này hoàn toàn có quyền yêu cầu người phú này phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thiệt hại ở đây sẽ được xác định là những thiệt hại thực tế từ tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút trong thời gian cách ly, tiền chi phí trong quá trình điều trị, phục hồi sức khỏe và các tổn thất khác về tinh thần, về tài sản trong quá trình cách ly, điều trị...
Hành vi thiếu ý thức của người phụ nữ này sẽ là một bài học lớn cho những ai coi thường sức khỏe của mình và của người khác. Cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch để tránh xảy ra những trường hợp như thế này. Nếu để một vài trường hợp như thế này xảy ra tiếp theo thì việc phòng và chống bệnh dịch này sẽ rất khó kiểm soát.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh COVID-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch COVID-19.
Tâm Đức