Bệnh nhân thứ 18 xuất viện: Niềm vui của những “chiến sỹ” tuyến đầu

Google News

Bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị khỏi và tiếp tục được theo dõi tại Thái Bình là niềm vui lớn không chỉ của các y, bác sỹ trực tiếp điều trị mà còn là niềm vui cho cả cộng đồng.

Benh nhan thu 18 xuat vien: Niem vui cua nhung “chien sy” tuyen dau
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình chúc mừng bệnh nhân được xuất viện. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Việc bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus SARS-CoV-2 được xuất viện và tiếp tục được theo dõi tại quê nhà Thái Bình không chỉ là niềm vui của bệnh nhân và người thân mà còn là niềm vui chung của tập thể cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Thành công trong điều trị cũng như bước đầu kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 đến từ những nỗ lực, thầm lặng hy sinh của những "chiến sỹ áo trắng" đã không quản khó khăn cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh để xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch.
Kết thúc ngày làm việc vào đêm muộn sau nhiều tiếng đồng hồ phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ dày nhiều lớp kín mít từ đầu đến chân để chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, điều dưỡng Trần Thị Phương Loan mới có thời gian gọi điện về nói chuyện trước khi con đi ngủ.
Chị phải nhờ bà nội ở quê lên chăm sóc hai con trai, bé đầu mới 3 tuổi và bé thứ 2 mới hơn 15 tháng tuổi.
Chị Loan kể, nhận được thông báo của bệnh viện về thời gian điều trị, cách ly cho bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus SARS-CoV-2, chị chỉ có nửa ngày ở nhà cai sữa cho con rồi phải vào viện từ ngày 7/3 đến nay.
Dự kiến phải hết tháng Ba, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, không có bệnh nhân mới thì chị mới được về nhà thăm gia đình.
Chị Loan nghẹn ngào chia sẻ: “Thương con còn nhỏ đã phải cai sữa và xa mẹ nhưng tôi cũng chỉ tranh thủ tối muộn mới có thời gian gọi điện video về nhà nhìn con. Mấy ngày đầu xa con, lần nào gọi video thấy mặt mẹ, 2 con cũng khóc, nói nhớ mẹ, hỏi mẹ đi đâu không về mà tôi không kìm nổi nước mắt, rồi cả 3 mẹ con cùng khóc. Từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên con xa mẹ lâu như thế, thương các con lắm nhưng công việc như vậy nên phải cố gắng vượt qua."
Chị Loan cũng cho biết những ngày đầu tiếp nhận ca mắc bệnh COVID-19, mặc dù đã được tập huấn, song nhiều bác sỹ, điều dưỡng viên không giấu được sự căng thẳng, tuy nhiên, những lo lắng cũng nhanh chóng qua đi khi tất cả mọi người cùng động viên nhau tập trung vào công việc để dốc sức cứu chữa người bệnh.
Chị Loan chỉ là 1 trong 18 cán bộ, y, bác sỹ đang thực hiện nhiệm vụ, công việc tại Khu cách ly đặc biệt thuộc Khoa Truyền nhiễm, chấp nhận mọi nguy cơ, gác lại nỗi niềm riêng tư để cùng hướng đến mục tiêu cao cả là cứu sống người bệnh, cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Gần nửa tháng qua, cán bộ, nhân viên y tế khu cách ly này phải ăn, ngủ tại bệnh viện với điều kiện sinh hoạt hết sức tối giản. Công việc hàng ngày của các bác sỹ, điều dưỡng ở đây là thăm khám, đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân cũng như chăm lo vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Là người trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 tại phòng cách ly đặc biệt, hằng ngày, chị Đỗ Thị Thanh Thủy, điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm luôn phải mặc bộ quần áo bảo hộ trong suốt 6 giờ liên tục khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu.
Trong suốt ca làm việc, không chỉ mồ hôi ướt sũng, mặt lằn vết khẩu trang mà chị còn không thể uống nước hay đi vệ sinh...
Chị Thủy tâm sự hiểu được đặc thù công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn cận kề nên chị vừa phải tự động viên bản thân mình, lại vừa phải luôn động viên, vực dậy tinh thần của các anh chị em đồng nghiệp.
Những ngày đầu phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, bản thân nhiều y, bác sỹ cũng có không ít băn khoăn, lo lắng nhất là khi trên thế giới đã có nhiều trường hợp cán bộ y tế nhiễm bệnh.
Thế nhưng, nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến, thay vào đó là sự quyết tâm, tinh thần sẵn sàng vào nơi nguy hiểm, không quản khó khăn cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh để trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Điều kiện làm việc, đặc biệt là sinh hoạt, trong khu cách ly còn nhiều thiếu thốn. Trước đây, khu chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm thì hiện nay, đây là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống của 18 người.
Hiểu được hoàn cảnh thực tế và khó khăn chung của bệnh viện, mọi người đều tự có ý thức sắp xếp nơi làm việc, ăn, ngủ, sinh hoạt hợp lý, mỗi người cũng thông cảm, hỗ trợ nhau để công việc và sinh hoạt thuận lợi.
Chắc ít ai thấy được hình ảnh các y, bác sỹ tại khu cách ly đặc biệt này, sau những giờ phút làm việc căng thẳng lại có thể tìm niềm vui những lúc rảnh rỗi bằng việc tập thể dục, chăm sóc hoa hay đọc sách, báo...
Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, cho biết để thể hiện tinh thần rất cao trong đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã phát động đợt tình nguyện tham gia các kíp điều trị bệnh nhân COVID-19 với hơn 100 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện đăng ký sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Benh nhan thu 18 xuat vien: Niem vui cua nhung “chien sy” tuyen dau-Hinh-2
Sau khi xuất viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bệnh nhân 18 được cách ly theo dõi tại phòng 206, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (ảnh chụp qua màn hình). (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Dù dịch bệnh COVID-19 làm nhiều người e ngại, bất an và gặp khó khăn trong quá trình điều trị khi dịch mới không phác đồ điều trị, chưa có vắcxin và không biết diễn tiến của bệnh cũng như cơ chế lây bệnh cụ thể nhưng cán bộ, y, bác sỹ ở đây vẫn can đảm, tận tụy, thầm lặng làm việc vì sự an toàn của người bệnh và cộng đồng.
Dù biết khó khăn và những rủi ro trước mắt, nhưng cán bộ, các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao nhất ở tuyến đầu của mặt trận chống dịch.
Bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị khỏi là niềm vui lớn không chỉ của các y, bác sỹ trực tiếp điều trị mà còn là niềm vui cho cả cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, từng ca bệnh ra viện đã mang lại niềm tin cho cả cộng đồng trong và ngoài nước.
Theo Thùy Dung (TTXVN/Vietnam+)