Bệnh viện Đức Giang tiếp nhận khám bệnh trở lại

Google News

Từ 0h ngày 20/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) sẽ tiếp nhận người bệnh đến khám và điều trị trở lại sau khi đảm bảo đủ các điều kiện an toàn.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ nhân viên, người bệnh và người nhà bệnh nhân (2 lần, cách nhau 6 ngày). Tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính SARS-CoV-2.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng chủ động rà soát lại toàn bộ khu vực bên trong, phun khử khuẩn hàng ngày, mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đến khử khuẩn nhằm đảm bảo môi trường an toàn.
Benh vien Duc Giang tiep nhan kham benh tro lai
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). 
Hơn 80% cán bộ nhân viên bệnh viện, bao gồm cả nhân viên phục vụ (nhà ăn, bảo vệ, đội vệ sinh…) đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, 100% y bác sĩ tiếp xúc trực tiếp ca bệnh dương tính đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Trước đó, ngày 13/6, qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ nhân viên, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phát hiện 1 ca dương tính SARS-CoV-2, là nam giới, 54 tuổi, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, là đội trưởng đội bảo vệ của Bệnh viện.
Đến ngày 15/6, qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện thêm 1 nhân viên của bệnh viện dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân là nam giới, sinh năm 1992, trú tại khu đô thị mới Sài Đồng, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, là nhân viên Phòng Tài chính - Kế toán.
Sau khi phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã  tạm thời không tiếp nhận khám, điều trị bệnh nhân thông thường từ 0h ngày 15/6 đến khi có thông báo mới.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện chưa xác định được nguồn lây của 2 nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là từ đâu.
Theo ông Tuấn, việc tìm nguồn lây sẽ khó khăn bởi tất cả F1 và các trường hợp liên quan tới các bệnh nhân đều đã âm tính SARS-CoV. Hai người này cũng không có mối liên quan dịch tễ, và chưa từng tiếp xúc với nhau.
“Chúng tôi hướng tới khả năng họ lây nhiễm ở ngoài cộng đồng, có thể từ nơi ở hoặc các địa điểm từng giao lưu bên ngoài. Giả thiết lây nhiễm trong bệnh viện có rất ít khả năng, vì nếu xảy ra lây nhiễm chéo thì đã có rất nhiều F1 chuyển thành F0 chứ không chỉ có 2 ca nhiễm này” - ông Tuấn nói.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nguy cơ bị tấn công mạng trong mùa dịch Covid-19.

Nguồn: VTV


Hiểu Lam