Video về loài rắn cắn người nhiều nhất Đông Nam Á (nguồn: Người Đưa Tin):
“Hang máng lợn” nơi có bầy rắn độc canh kho giữ tiền nằm ở xã Trung Lương, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Trước đây hang chính là nơi cất giấu của Kho bạc Nhà nước. Nhưng kể từ khi, Kho bạc Nhà nước được chuyển đi nơi khác, người dân nơi đây mới được vào sâu bên trong và phát hiện thấy một tảng đá trũng xuống giống như cái “máng lợn”.
|
Người dân cho rằng có bầy rắn ngự luôn canh giữ kho tiền |
Để tìm hiểu những câu chuyện xung quanh hang này, chúng tôi tìm về miền đất nơi đây nghe các vị cao niên trong làng kể lại những điều mà họ cho rằng là sự linh thiêng có một không hai trong đời sống nơi đây.
Qua giới thiệu chúng tôi tìm đến cụ Hoàng Văn Mậu, một cao niên trong làng. Cụ Hoàng Văn Mậu, cho biết: “Hang máng lợn” nằm ở lưng chừng núi thuộc thôn Hồng Tiến, xã Trung Lương, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Trước đây, hang là Kho bạc Nhà nước, được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng sau đó kho bạc đã được rời đến một địa điểm khác.
Kể từ khi kho bạc được rời đi, người dân nơi đây đã vào bên trong để khám phá những điều mà họ vẫn cho là rất bí hiểm của nơi cất giữ tiền. Khi vào trong hang, người dân phát hiện ra tảng đá trũng xuống giống hình máng lợn. Cho nên từ đó người dân trong làng gọi là “hang máng lợn”.
Cái chết bí ẩn của 5 mẹ con
Người dân nơi đây cũng cho biết, vào khoảng năm 1945, một người đàn bà tên là Cải Xương đang mang bầu dắt theo 3 đứa con, từ miền xuôi lên đây để làm ăn. Không hiểu vì sao cả 5 mẹ con đã chết trong hang.
|
"Hang máng lợn" ở tỉnh Thái Nguyên |
Về cái chết của 5 mẹ con bà Cải Xương, cụ Hoàng Văn Mậu giải thích: “Khoảng năm 1945, bà Cải Xương đang mang bầu dắt theo 3 đứa con, từ miền xuôi lên đây để làm ăn. Nhưng vì một vài lý do nào đó, bệnh tật hay đói rét mà họ bị chết. Nhưng tôi khẳng định chắc chắn là không phải do rắn cắn. Quả thật, cái chết của mấy mẹ con họ thật tức tưởi. Chính tay tôi đi đem 5 mẹ con bà Cải Xương chôn ở ngay cạnh ruộng lúa gần “hang máng lợn”".
Cụ Hậu cũng nói thêm: “Đã có lần chúng tôi đánh liều đi vào trong hang để xem hình dáng bên trong hang ra sao. Khi vào trong đó, chúng tôi đã tìm thấy bản in tờ 20 nghìn đồng.
“Hang máng lợn” có nhiều rắn nên không ai dám vào. Hồi trước chúng tôi đi cùng một đoàn vào bên trong hang, gặp ngay con rắn, cổ màu đỏ, mình nó to như cổ tay người lớn. Lúc đó, tất cả mọi người đều hoảng sợ, không ai dám động vào. Một lúc sau, con rắn độc tự bò đi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vịnh - Chủ tịch UBND xã Trung Lương cho biết: “Hang máng lợn” là tên người dân vẫn thường quen gọi, thực chất đó gọi là Hang Thắm. Chính quyền địa phương đã đề nghị là di tích vì ngày xưa kháng chiến người dân di dời vào trong để cư trú. Địa phương đã khoanh vùng, trong các danh mục di tích nhưng vẫn chưa được xây dựng”
“Ở bên trong hang, có hình trông giống như bà mẹ đang bế con. Nhiều lời đồn đại nhưng kỳ thực đó là do thiên nhiên tạo hóa nên.
Còn chuyện những nơi có người chết, theo tâm linh của người dân thì đó thường là nơi thiêng liêng. Ngày xưa, hang Thắm để giấu ngân khố Nhà nước. Chúng tôi đã nghe nói về việc người dân vào trong hang thấy tiền trong đó nhưng không rõ là tiền giấy hay là bản in tiền,” ông Vịnh giải thích.
Ông Vịnh cũng cho biết ở trong hang có nhiều rắn vì đó là khu rừng rậm rạp, có nước nên thường ẩm ướt là nơi cư trú của nhiều loài rắn, có cả những loại rắn độc. Chính vì thế mà ít người dám vào trong hang. Chính quyền địa phương cũng không cho khai thác đá, còn trồng cấy những khu đất bên cạnh vẫn cho người dân làm.
Theo Người đưa tin