Câu chuyện về những con hổ khổng lồ trong đại ngàn vẫn được người dân Sơn La kể lại.
Kỳ 1: Hổ sói thi nhau bắt trâu bò
“Năm nào hổ cũng về bản Púm bắt trâu bò” - Đó là lời khẳng định của anh Điêu Chính Pâng - Trưởng bản Púm, xã Pha Khinh (Quỳnh Nhai, Sơn La).
Ít ai có thể nghĩ rằng, đất Sơn La còn hổ, thế nhưng, chuyện người dân ở đất Quỳnh Nhai khắp nơi đều kể về hổ là sự thật.
Anh Pâng kể rằng, mới đây thôi, khoảng 11h đêm, dân bản bỗng nhiên nghe thấy tiếng chó sói tru vẳng về từ phía rừng Huổi Luông và tiếng trâu, bò rống vang cả góc rừng. Những thanh niên khỏe mạnh của bản vội đốt đuốc chạy vào rừng.
Quang cảnh hoang tàn hiện ra dưới ánh trăng. Đàn trâu bò vài trăm con của bản Púm vẫn còn nhớn nhác. Cây cỏ tướp đi vì những cuộc vật lộn của đàn gia súc với thú hoang.
|
Tiêu bản đầu hổ ở Quỳnh Nhai. |
3 con trâu mộng, 2 con nghé, 3 con bò đã chết, mất hết thịt ở mông, ở đùi. Chó sói ở rừng Huổi Luông còn rất nhiều, chúng thường kéo cả đàn về các bản để tấn công gia súc và gia cầm của đồng bào. Chúng đi săn thành đàn từ 20 đến 30 con. Khi đã tấn công là giết con mồi bằng được.
Chó sói rất hung tợn, chúng cứ vờn trâu bò rồi đớp thịt ở mông, ở đùi. Khi nào trâu bò mất máu nhiều, kiệt sức và gục xuống thì chúng không ăn nữa mà quay sang tấn công con khác. Do vậy, mỗi khi đàn chó sói về thì dân bản lại bị mất trâu bò.
Trâu bò ở Quỳnh Nhai rất nhiều. Ngay như bản Púm của xã Pha Khinh, mỗi nhà cũng có vài ba chục con. Mỗi hộ dân bản Púm “tự nhận” một khoảnh rừng rộng hàng chục ha trong rừng Huổi Luông để thả bò, thả trâu. Trai tráng thay nhau vào rừng bỏ muối cho chúng ăn. Ăn muối rồi, chúng sẽ chỉ quanh quẩn ở khu rừng đó. Mỗi năm, các hộ dân ở đây lại phát hiện ra mình có thêm mấy con bê, mấy con nghé. Chúng sinh nở lúc nào cũng chẳng hay biết.
|
Phía sau dãy Huổi Luông là rừng già. |
Xin nhắc lại chuyện đàn chó sói tấn công trâu bò của bản Púm ở rừng Huổi Luông vào đêm hôm đó. Trưởng bản Điêu Chính Pâng không tìm thấy con trâu mộng nhà mình đâu. Mọi người đốt đuốc tìm xung quanh mà vẫn không thấy.
Khi thấy dấu chân lằn sâu xuống lớp mùn to bằng miệng cái bát ăn cơm lẫn với vết kéo con trâu tướp cỏ, ai cũng rùng mình sợ hãi vì biết rằng chúa sơn lâm đã về bắt trâu. Mọi người mau chóng quay trở ra bìa rừng.
Đợt ấy, anh Pâng còn phát hiện ra một loạt dấu chân nhỏ hơn cũng hướng về phía rừng sâu. Rõ ràng đã có hai con hổ tha con trâu của anh Pâng vào rừng.
Anh Pâng thả ánh mắt về phía cánh rừng Huổi Luông khuất sau dãy núi khổng lồ Pú Cô bảo: “Hầy dà! Mọi năm mình chỉ mất nghé, năm nay mất con trâu mộng vì hai ông hổ. Tiếc đứt ruột!”.
|
Anh Pâng chỉ nơi hổ thường về. |
Cũng theo anh Pâng, trung bình mỗi năm bản Púm mất 20 con trâu, bò, nghé vì chó sói và hổ. Tuy nhiên, theo anh thì hai “ông hổ” này hiền lắm, chưa tấn công người bao giờ. Mỗi năm, hai “ông hổ” thường về bản 1-2 lần, vào tháng 7 hoặc tháng 8 và chỉ bắt trâu bò vào những đêm trăng xế, sau 12 giờ đêm.
Hai con hổ này thường đi cùng nhau và chúng cứ lang thang hết vùng rừng này đến vùng rừng khác. Thi thoảng, dân bản ở Pha Khinh, Cà Nàng, Mường Giôn, Chiềng Khay, Mường Chiên… những xã ven rừng Huổi Luông mênh mông lại gặp những dấu chân hổ về nương rẫy. Nếu trâu bò đột nhiên mất tích, lại phát hiện thấy vết chân hổ thì chỉ còn nước kêu giời..
Người dân bản Púm, xã Pha Khinh vẫn nhắc đến cái đêm hổ về bản cách đây 15 năm. Lần đó, một đám thợ săn người Mông ở Mường Giôn đi săn tê tê trong rừng Huổi Luông, chỗ giáp với bản Púm đã phát hiện ra hang ổ của chúa sơn lâm.
|
Anh Pâng chỉ chỗ từng có dấu chân hổ.
|
Trong ổ có hai chú hổ con mới sinh. Hổ mẹ và hổ bố đi kiếm mồi chưa về. Đám người Mông này đã bắt hai chú hổ con rồi cắt ngang núi Pú Cô, vòng qua bản Púm xuôi về đường Thuận Châu.
Đêm đó, trăng lên, hổ bố và hổ mẹ quần thảo dưới chân núi Pú Cô, gầm thét điên cuồng. Chúng lao cả vào gầm nhà sàn của một số hộ nằm ngay chân núi để phá phách, tấn công trâu bò. Nhà nào cũng cửa kín then cài, nín thở lo lắng. Đến gần sáng chúng mới bỏ đi, tiếng gầm gừ cũng nhỏ dần, ai oán. Sau lần ấy, người dân Pha Khinh gọi hổ bằng... “ông hổ”.
Anh Lò Văn Định, cán bộ kiểm lâm Quỳnh Nhai khẳng định hiện ở Quỳnh Nhai còn ít nhất hai con hổ, một con rất lớn và một con nhỏ hơn. Đã có nhiều người báo cáo với kiểm lâm rằng đã tận mắt nhìn thấy hổ về các bản quanh rừng Huổi Luông.
|
Người dân quanh rừng Huổi Luông rào gậm nhà sàn rất kín để nhốt thú nuôi vì sợ hổ, chó sói bắt trộm. |
Rừng ở Quỳnh Nhai nổi tiếng vì còn rất nhiều tê tê, gấu, rắn chúa, chó sói, lợn rừng… tuy nhiên, hổ thì không còn nhiều, mặc dù cách đây 20 năm, hổ là loài khá phổ biến ở đây.
Đồng bào ở Quỳnh Nhai từ xưa đến nay vẫn rất bức xúc vì nạn chó sói và hổ về bắt trâu bò. Ông Định cho hay: “Mỗi năm đồng bào ở Quỳnh Nhai mất trung bình 50 con trâu bò vì chó sói và hổ. Mấy năm gần đây không thấy hổ về bản tấn công trâu bò, mà chủ yếu nó ăn lại con mồi đã chết do chó sói tấn công”.
Theo ông Định, rừng ở Quỳnh Nhai còn 46.000 ha, nằm trong những thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá cao lừng lững, hiểm trở, không có dân cư sinh sống trong rừng và ra vào rất khó nên nạn phá rừng không xảy ra. Người Mông, người Thái cũng đi săn, nhưng chỉ săn con nhím, con don ở bìa rừng mà thôi.
Theo VTC News