Người dân địa phương cho hay, trong vòng bán kính hai chục km họ không hề phát hiện ra loại đá này nên việc vận chuyển những phiến đá là rất tốn công sức. Trước đây đám ma của người Thái có thể kéo dài cả chục ngày sau đó mới đem an táng, tuy nhiên những viên đá dùng để lập bia không được chuẩn bị trước mà phải đợi người lâm chung trút hơi thở cuối cùng mới được đi kiếm. Câu hỏi là người Thái cổ lấy đá từ đâu? Làm cách nào để vận chuyển các phiến đá có kích thước, trọng lượng lớn là một câu hỏi hóc búa?
|
Toàn cảnh khu mộ đá cổ. |
Những phiến đá kỳ lạ
Từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi vượt 180km theo hướng Tây Bắc về thượng nguồn sông Mã, Mường Ký là nơi có khu mộ đá bí ẩn. Khu mộ cổ này nằm cách quốc lộ 217 chưa đầy 1km. Theo các cụ cao niên, đây là vùng đất đai lâu đời của người Thái di cư từ Mường Mun (Hòa Bình) sang.
Các ngôi mộ này rộng chừng 3m, dài 5 đến 6m. Mỗi một ngôi mộ được chôn từ 4 đến 5 phiến đá xanh, người Thái gọi những phiến đá này là “hin hóng”. Hòn cao nhất là 2m, chưa kể phần chôn dưới đất.
Các phiến đá này ít bị bào mòn bởi thời gian vì nó nhọn ở phần đầu nên khi tiếp xúc với mưa thì nó sẽ bền hơn. Tất cả các phiến đá đều nằm mập mờ trong các bụi cây khiến cho khu đất càng trở nên hoang vắng và ít người qua lại.
Theo người dân, phiến đá cao nhất tượng trưng cho đầu người, còn lại là chân và tay. So với mộ bình thường của người Thái thì các ngôi mộ này rộng gấp 3 lần. Hiện nay đã có vài ngôi mộ bị kẻ xấu đào bới để tìm cổ vật.
Ông Hà Nam Ninh - nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Thái cho biết: “Hiện nay người Thái Thanh Hóa vẫn giữ lại được phong tục mai táng cổ. Người chết được chôn theo vòng tay, vòng chân bằng bạc hoặc vàng. Trên trán ốp thêm một lớp than dày, đốt từ cây tre hoặc gỗ, cuối cùng là đồ dùng của người đã khuất.
Tùy theo khả năng kinh tế, thế lực của gia đình nên các phiến đá có thể to hay nhỏ, cao hay thấp. Các phiến đá này không phải đá vôi vì nó dễ gẫy, thông thường họ lấy ở khe suối đá xanh, vì vậy mà nó rất cứng và sắc”.
Theo ông Ninh, đây có thể là những ngôi mộ của người Thái từ thời xa xưa. Bởi người Thái đã có công khai phá vùng đất này từ rất lâu. Tuy nhiên do một biến cố nào đó mà họ phải rời bản xứ đi sinh sống tại vùng đất khác. Với các cụ cao niên bản Hiềng, từ khi về đây tổ tiên họ không hề hay biết thông tin gì về xuất xứ khu mộ này.
Người dân ở đây cho hay, trong vòng bán kính hai chục km họ không hề phát hiện ra loại đá này nên việc vận chuyển những phiến đá là rất tốn công sức. Trước đây đám ma của người Thái có thể kéo dài cả chục ngày sau đó mới đem an táng, tuy nhiên những viên đá dùng để lập bia không được chuẩn bị trước mà phải đợi người lâm chung trút hơi thở cuối cùng mới được đi kiếm.
Câu hỏi là người Thái cổ lấy đá từ đâu? Làm cách nào để vận chuyển các phiến đá có kích thước, trọng lượng lớn là một câu hỏi hóc búa?
Ông Hà Văn Ặng (65 tuổi) người ở trong bản đưa ra giả thuyết rằng: “Nếu vận chuyển phiến đá nặng hàng tấn thì phải huy động sức dân. Họ sẽ dùng cây gỗ có 2 cành chụm vào nhau như hình chữ V, rồi đục thủng điểm giữa rồi luồn dây vào.
Sau khi đục lỗ, phiến đá sẽ được buộc vào khung rồi huy động sức người kéo về. Do tập quán mang tính cộng đồng cao, thêm vào đó những người này thường có thế lực nên rất dễ dàng huy động dân cư. Vận chuyển là một phần, song họ họ làm cách nào để đẽo gọt cho các viên đá nhẵn và đẹp là một câu hỏi chưa có lời giải đáp?”.
Bài toán bảo tồn mộ cổ
Xưa kia, người dân bản Hiềng vẫn luôn coi khu mộ thiêng là chốn linh thiêng huyền bí. Hầu như người lạ không dám đặt chân đến nếu không có người trong bản dẫn đường. Trước đây rất ít người thâm nhập vào khu rừng có những ngôi mộ này, trừ các đối tượng tìm báu vật vì họ bất chấp tai vạ.
Bên cạnh đó, trong khu rừng nguyên sinh rậm rạp này lại có nhiều loại động vật quý hiếm đến sinh sống. Xưa kia dân bản rỉ tai nhau về chuyện, trước khi chết ông Pú dặn con cái phải đem chôn ông ở khu vực này.
Theo lời dặn, các con đem cha lên khu mộ đá mai táng. Không lâu sau gia đình bất hòa, con cái hay mơ thấy cha bị đuổi đánh, chèn ép, thậm chí phải đi làm khổ sai. Không những thế, mấy đứa con của ông còn bị đau ốm, buộc phải chuyển hài cốt ông Pú về khu nghĩa địa riêng của dân làng. Cũng từ đó mà không ai dám xâm phạm khu đất nữa.
Trước cách mạng tháng 8-1945, khu mộ này gần như là cấm địa vì người ta tin rằng đất thiêng, bởi có nhiều “ông chúa sơn lâm” nặng tới vài tạ sinh sống. Khi mặt trời khuát bóng xuống núi trong “rừng ma” hay phát ra tiếng gầm rú. Người dân nuôi trâu bò, ngựa, dê… đêm đến đều phải nhốt dưới gầm sàn để đề phòng loài hổ. Sau cách mạng tháng tám, dân ta ra sức khai khẩn khu rừng rậm này thì loài hổ mới vắng dần.
Ông Lò Văn Đặng, 62 tuổi, bản Hiềng, nhớ lại: “Cách đây vài chục năm, vào một buổi sáng mùa hè, tôi thả trâu vào rừng như bình thường. Đến buổi chiều tôi vô kiếm trâu, luồn sâu vào bãi đất hoang nơi đàn trâu thường hay lui tới gặm cỏ mà không thấy đâu.
Tôi ngồi nghỉ ở gần một ngôi mộ đá to nhất, sau đó cất tiếng cầu khấn: “Xin tổ tiên phù hộ cho con tìm thấy trâu để mai còn kịp đi cày làm mùa... Sau đó trùng hợp tôi đi tìm một lần nữa thì đàn trâu xuất hiện, con nào con đấy bụng no căng tròn”.
Câu chuyện lan truyền. Từ đó cứ mỗi lần người dân bị lạc mất trâu hoặc bò, là họ đều đến xin “tổ tiên” ở đây giúp đỡ. Việc lạc trâu bò đôi khi vẫn thường xảy ra trong các bản làng, song họ vẫn đặt niềm tin vào sự linh thiêng, chuyện khu mộ đá ám ảnh người dân như một nét tâm linh nhất định.
Người dân địa phương cho rằng tại các khu mộ này còn có các trinh nữ được chôn sống để hầu hạ quan lang. Theo các cụ cao niên, các cô gái này trước khi “đi” theo chủ nhân đều được tắm nước ướp mười loại hoa rừng. Thông thường, các thiếu nữ này chủ yếu xuất thân từ gia cảnh nghèo phải làm nữ tì cho quan lang.
Người Thái quan niệm “vạn vật hữu linh”, người chết ở một thế giới khác vẫn luôn hướng về con người đang sống trong thực tại. Dân bản vào rừng đi săn bắn hoặc có con cái sắp đi thi, họ đều qua chốn linh thiêng này cầu khấn xin phù hộ. Trước đây chưa ai dám động đến đất này, sau này việc bài trừ mê tín dị đoan và xây dựng bản làng được chú trọng, các ngôi mộ hoang được phá bỏ khắp nơi. Do nhiều ngôi mộ ở đây bị phá, các viên đá được mang đi đắp đập, làm đường, nên một lượng bia đá biến mất.
Ông Hà Văn Iêng - Bí thư chi bộ bản Hiềng cho hay: “Khu mộ đá đã có từ xa xưa. Chúng tôi đã làm tờ trình lên cấp trên để xây dựng phương án nghiên cứu nguồn gốc, giữ gìn bảo tồn. Đồng thời xin công nhận di tích lịch sử văn hóa, mấy năm trước một số ngôi mộ bị đào trộm, hiện giờ địa phương có trách nhiệm quản lý giữ gìn”.
Theo Hà Sơn/Báo Pháp Luật