1- Cảm nhận đầu tiên khi tôi đến vùng quê nằm bên dòng sông Kỳ Lộ là một thung lũng bình lặng hiện hữu giữa màu xanh của núi rừng uốn lượn vòng cung. Những ngôi nhà nhỏ ẩn mình bên dưới tán cây xanh và mấy đứa trẻ tóc cháy màu nắng đang vô tư tha thẩn giữa không gian ngôi làng trầm buồn đến nẫu ruột.
Trưởng thôn La Đoàn Năm – người dân tộc Chăm Hroi kể lại những câu chuyện tự tử gieo vào lòng người nghe nhiều cảm xúc từ ngạc nhiên vì lạ lẫm, bất thường đến xót xa thương cảm cho mỗi số phận của người ra đi và nỗi đau của những người ở lại.
Theo mạch lời kể của ông Năm, người đầu tiên tìm đến cái chết tại ngôi làng này là anh La Mo Rơ, 42 tuổi. Dạo đó vào giữa tháng 7/2014, sau chuyến đi từ Đắk Lắk về thăm người thân, La Mo Rơ cùng mấy thanh niên trong làng rủ nhau ra bờ suối câu cá. Chập choạng tối, một cuộc nhậu được bày ra trước sân nhà với rượu gạo, cá nướng.
Giữa cuộc vui dân dã, anh Rơ đi ra phía sau nhà gần nửa giờ không thấy trở lại nên mấy người bạn đi tìm và bất ngờ phát hiện người thanh niên này đã tử vong trong tình trạng miệng sùi bọt nồng nặc thuốc trừ sâu do anh lấy trộm của chủ nhà.
|
Một góc làng Suối Cối 2. |
Trong lúc nguyên do anh La Mo Rơ tự tử chưa được làm rõ thì một tuần sau đó, cả làng Suối Cối 2 bàng hoàng, sửng sốt khi nghe tin bà La Lan Hoi, 58 tuổi đã tự tử bằng thuốc trừ sâu. Ông La Mo Man, 62 tuổi - chồng của bà Hoi nhớ lại: “Bữa đó bà ấy đi nhổ cỏ ngoài ruộng lúa. Chiều về đang ngồi bên hiên nghỉ ngơi chốc lát, bỗng dưng bả bước vô nhà mở chai thuốc trừ sâu ra uống.
Khi tui phát hiện kêu la, người trong làng đưa đến Trạm Y tế xã Xuân Quang 1 để cấp cứu nhưng mới vượt qua con suối bả đã trút hơi thở cuối cùng. Trước đó mọi người trong gia đình không hề xích mích, cãi cọ và chẳng nợ nần tiền bạc, gạo thóc của ai, vợ tui cũng không mắc bệnh hiểm nghèo... nên tới giờ này tui vẫn không hiểu vì sao bả tự tử”.
Còn trường hợp ông La Mo Nin, 51 tuổi, đời sống gia đình ổn định, sức khỏe bình thường, không bị ai thù oán, đe dọa. Bỗng dưng một ngày cuối tháng 10/2014, khi vừa từ nương rẫy trở về đến nhà, ông lấy chai thuốc trừ sâu ra uống.
Hoang mang đến lo sợ nhất là 5 ngày đầu tháng 12/2014, dân làng Suối Cối 2 đã phải chứng kiến thảm cảnh 3 người phụ nữ lần lượt uống thuốc độc tự tử. Đó là La Lan Thị Dơn, 52 tuổi; Lan Lan Lăm, 17 tuổi và La Lan Thị Tưởng, 35 tuổi. Dù gia cảnh khác nhau, nhưng cả 3 người đều không có dấu hiệu buồn tủi, giận hờn nhưng họ tự tìm đến cái chết mới là điều lạ lùng đến mức người thân của họ cũng không lý giải được...
2- Phó trưởng thôn Suối Cối 2 – ông La Thanh Tân cho hay, trong 2 năm qua ngôi làng này có tới 18 người chết do tự tử. Theo đó ít nhất có 20 đứa trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do vấn nạn tự tử, đó là chưa kể đến 3 trường hợp may mắn được cứu sống. Bà La Lan Thị Hòa, 54 tuổi – một trong 3 người thoát chết sau khi tự tử, lý giải: “Bữa đó chồng tui ra làng uống rượu say rồi về nhà nói lảm nhảm suốt đêm. Tui năn nỉ ổng im lặng nằm ngủ nhưng không được, tui bực tức quá nên lấy chai thuốc diệt cỏ ra uống...”.
|
Cuộc sống của người dân làng Suối Cối 2 còn nhiều khó khăn, lạc hậu. |
Thế nhưng, mỗi khi trong làng có người chết do tự tử không rõ nguyên do, một số người lại đồn thổi là do “ma, quỷ” đã “bắt tội” người chết, còn người thân tìm kiếm, đón rước “thầy mo” về tận nhà cúng bái với lễ vật rượu, gà, heo, bò khiến cho những gia đình nghèo càng thêm khó khăn, chật vật khi phải lo toan mâm cỗ. Ông Tân cho biết, cả làng có hơn 330 hộ gia đình, hầu hết đều là đồng bào dân tộc Chăm Hroi, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật và kiến thức xã hội kém, nên một số người còn mê tín.
Những người già ở làng Suối Cối 2 cho biết, từ xưa người Chăm Hroi ở đây đã từng quan niệm về lời nguyền thay thế. Theo đó, người chết do tự tử muốn siêu thoát thì phải lôi kéo một người khác từ cõi trần xuống âm phủ thế chỗ.
Để hóa giải lời nguyền đó, thi hài người tự tử được chôn cất riêng ngoài nghĩa địa của làng và phải cúng một con heo để thần linh xua đuổi người đó đi nơi khác, không lôi kéo thêm người khác vào vòng tự tử. Thế nhưng, những cuộc cúng bái mang đậm màu sắc mê tín bất thành, vì những cái chết do tự tử vẫn xảy ra.
Ông Đặng Chí Hậu – Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết, trong thời gian gần đây chính quyền, Công an cùng các tổ chức đoàn thể khẩn trương tiếp cận gia đình có người tự tử để tìm hiểu nguyên do; đồng thời tranh thủ uy tín của già làng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Xóa đói giảm nghèo”...
Đặc biệt là phân công cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm lý, tình cảm và những khó khăn, bức xúc hay tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống thường nhật của đồng bào Chăm Hroi để kịp thời vận động, giải thích và ngăn chặn tệ nạn cúng bái mê tín, từ đó nâng cao hiệu quả phòng ngừa những cái chết do tự tử.
>>> Mời quý độc giả xem video Chuyện thanh niên tự tử vì tình (nguồn VTC):
Theo Hữu Toàn /Công an nhân dân