Bị can Lê Duy Thành, từ cán bộ thuế đến Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Google News

Trước khi trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành là cán bộ cơ sở và có thời gian dài công tác ở ngành thuế.

Bi can Le Duy Thanh, tu can bo thue den Chu tich UBND tinh Vinh Phuc
Lần gần nhất ông Lê Duy Thành xuất hiện trên báo chí là kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 4.3.2024. Ảnh: C.K 
Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội nhận hối lộ xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng thời, C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - về tội nhận hối lộ, quy định tại Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (do Nguyễn Văn Hậu, tức “Hậu Pháo”, làm Chủ tịch HĐQT) và các đơn vị liên quan.
Hiện C03 đang làm rõ hành vi của các bị can và mở rộng điều tra, áp dụng các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bi can Le Duy Thanh, tu can bo thue den Chu tich UBND tinh Vinh Phuc-Hinh-2
Cảnh sát chặn ngã tư đầu đường vào nhà riêng của Chủ tịch Vĩnh Phúc để thực hiện lệnh khám xét ngày 8.3.2024. Ảnh: B.N 
 
Ông Lê Duy Thành sinh năm 1969, quê ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có trình độ cao cấp lý luận chính trị và là tiến sĩ kinh tế.
Giai đoạn trước 2013, ông Thành là cán bộ cấp cơ sở, sau đó giữ các chức vụ như Cục phó Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc; Bí thư Huyện ủy Lập Thạch.
Tháng 12.2013, ông Thành được Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016.
Tháng 7.2020, tại hội nghị lần thứ 33 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, ông Thành được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đến cuối tháng 10.2020, ông Lê Duy Thành được giới thiệu và bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc với tỉ lệ 100% (47/47) số phiếu đồng ý.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động tại Vĩnh Phúc từ năm 2004, là doanh nghiệp vừa phải, hoạt động trong phạm vi cấp huyện. Từ năm 2015, doanh nghiệp này "vươn mình mạnh mẽ" khi nhận được nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Hiện, doanh nghiệp này có 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng.
C03 bước đầu xem xét hai dự án ở Vĩnh Phúc cho thấy, Tập đoàn Phúc Sơn đã bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 640 tỉ đồng. Hiện tập đoàn này còn nợ thuế hàng chục nghìn tỉ đồng. Nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện bàn giao nhưng đã bán và thu tiền nhưng không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân hàng chục nghìn tỉ đồng.
Để dẫn đến vi phạm trên, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, có trách nhiệm của cơ quan quản lý khi không kiểm soát hoạt động kê khai tài chính nên mặc dù doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế nhưng vẫn hoạt động. Không nắm được năng lực thực tế của doanh nghiệp khi nhận dự án dẫn đến việc doanh nghiệp nhỏ, cấp huyện nhưng vươn ra khắp nơi, trúng thầu nhiều dự án hàng nghìn tỉ đồng, trong khi năng lực của công ty vừa phải, nhiều tập đoàn hùng mạnh cũng không nhận được các dự án này.
Theo nhóm PV/Lao động