Chiều 28-12, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020) phản bác nhiều nội dung cáo trạng.
Không can thiệp?
Trả lời HÐXX, bị cáo Tất Thành Cang thừa nhận bản thân ông bút phê "Ðồng ý" vào một tờ trình của Văn phòng Thành ủy TP HCM liên quan đến đề xuất bán cổ phần Sadeco. Với tư cách phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM - phụ trách Văn phòng Thành ủy, bị cáo thừa nhận bản thân có thông qua chủ trương. Trong quá trình xem xét đề xuất doanh nghiệp trình lên, bị cáo nhận một số tờ trình nhưng không thấy tờ trình ấn định giá bán cổ phần. Ngoài ra, bị cáo cùng cấp dưới tổ chức họp bàn bạc, lắng nghe ý kiến các bên trước khi ra quyết sách cuối cùng.
Liên quan đến hành vi bán cổ phần trái luật, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng những nội dung ghi nhận tại đại hội cổ đông Sadeco quyết định vấn đề này (do bị cáo Tề Trí Dũng - Tổng Giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HÐQT Sadeco - cùng đồng phạm chủ trì) không đúng với chủ trương mà bị cáo bút phê "Ðồng ý". Vì vậy, bị cáo Tề Trí Dũng cùng cấp dưới phải tự chịu trách nhiệm. "Ở cương vị phó bí thư thường trực, bị cáo làm việc theo nguyên tắc định hướng chứ không can thiệp. Bị cáo không phải là người có chức vụ cao nhất nắm quyền quản lý tài sản Thành ủy TP HCM" - bị cáo Tất Thành Cang giải thích. Nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM khẳng định bản thân không chỉ đạo bán 9 triệu cổ phần và phủ nhận vai trò đầu vụ gây thiệt hại nghiêm trọng này.
Truy tố tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" đối với bị cáo Tất Thành Cang, đại diện cơ quan công tố tại tòa nhận định bị cáo là người đứng đầu, nhận nhiệm vụ quản lý tài sản của Ðảng bộ TP HCM, phụ trách Văn phòng Thành ủy. Ngày 16-5-2017, bị cáo bút phê "Ðồng ý" vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy, có nội dung: giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược. Từ đó, Tề Trí Dũng cùng đồng phạm thuận lợi chuyển nhượng 9 triệu cổ phần tại Sadeco sang Công ty Nguyễn Kim. Nhắc đến hậu quả, đại diện cơ quan công tố kết luận tài sản nhà nước (vốn của Thành ủy TP HCM) thất thoát hơn 184 tỉ đồng. Người thừa hành quyền công tố nhấn mạnh: "Bị cáo Tất Thành Cang phạm tội với vai trò đầu vụ".
Bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng đổ tội cho nhau - Ảnh 1.
|
TAND TP HCM xét xử bị cáo Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng (trái) cùng nhiều đồng phạm. |
"Chỉ đạo miệng"
Liên quan đến tờ trình có bút phê "Ðồng ý", HÐXX cho phép bị cáo Tất Thành Cang đối chất với bị cáo Tề Trí Dũng. "Ngoài tờ trình trên, bị cáo còn nhận chỉ đạo nào khác nữa không?" - chủ tọa hỏi bị cáo Tề Trí Dũng.
Trả lời, nguyên chủ tịch HÐQT Sadeco khai nhận bị cáo Tất Thành Cang "chỉ đạo miệng" một lần. Tại nhà ông Nguyễn Văn Kim (lãnh đạo Công ty Nguyễn Kim), bị cáo Tất Thành Cang nói cần tạo điều kiện giúp Công ty Nguyễn Kim. Tuy nhiên, bị cáo Tất Thành Cang không chỉ đạo bán 9 triệu cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân kể trên, cũng không nhắc đến giá bán. Theo bị cáo Tề Trí Dũng, chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang đóng vai trò quan trọng. Bởi vì, IPC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vì thế, HÐQT IPC tuân thủ mọi chỉ đạo từ lãnh đạo, Văn phòng Thành ủy, gồm cả những chỉ đạo liên quan hoạt động tại công ty con là Sadeco. Bị cáo Tề Trí Dũng trần tình bản thân chủ quan dẫn đến để xảy ra nhiều sai sót.
Ðối với việc doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần trái luật, cơ quan công tố quy buộc bị cáo Tề Trí Dũng giữ vai trò xuyên suốt; từ khâu tiến hành thủ tục hợp tác đến khi hoàn thành bán vốn với giá 40.000 đồng/cổ phần, sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá. Không chỉ vậy, bị cáo này ký văn bản thông qua quỹ tiền lương năm 2017 cũng như hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ - nhân viên vào chi phí hoạt động doanh nghiệp; gây thiệt hại hơn 2,1 tỉ đồng. Những sai lầm đó cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Về tội "Tham ô tài sản", đại diện VKSND TP HCM nêu rõ bị cáo chỉ đạo cấp dưới thực hiện và trực tiếp duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao, quỹ khen thưởng. Nhờ vậy, các bị cáo chiếm đoạt hơn 4,6 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Tề Trí Dũng trục lợi hơn 1,7 tỉ đồng.
Nhiều đồng phạm
Trong vụ án, bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) cùng 10 bị cáo khác (làm việc dưới quyền bị cáo Tất Thành Cang thời điểm sai phạm diễn ra) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ngoài bị cáo Tề Trí Dũng, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Sadeco), Ðỗ Công Hiệp (nguyên kế toán trưởng Sadeco) cùng 4 bị cáo khác cũng ra tòa về 2 tội: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Sadeco) bị xét xử tội "Tham ô tài sản".
Theo DI LÂM/Zing