Bị chồng, bạn trai đánh nhưng không truy cứu: Phụ nữ tự biến mình thành nạn nhân đến bao giờ?

Google News

(Kiến Thức) - Rất nhiều vụ chồng đánh vợ, bạn trai đánh người yêu... gây xôn xao, bức xúc dư luận. Nạn nhân lên tiếng nhưng sau đó vì hết tình còn nghĩa mà rút đơn, không truy cứu... Vô hình chung việc này khiến họ tự biến mình thành nạn nhân hết lần này đến lần khác.

Vụ cô gái bị bạn trai túm tóc, đánh đập trong thang máy chung cư Trung Đông Plaza (quận Tân Phú, TP HCM) đang khiến dư luận bức xúc trong những ngày qua.
Theo nội dung đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội về vụ việc trên cho thấy, trong thang máy chung cư Trung Đông Plaza, một người đàn ông bất ngờ tấn công một phụ nữ sau khi mâu thuẫn dẫn đến cự cãi. Người đàn ông liên tiếp nhiều lần đạp vào người, túm tóc, liên tục đánh vào vùng mặt, đập đầu người phụ nữ vào thành thang máy.
Ngay khi nhận được thông tin sự việc trên, lãnh đạo Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an quận Tân Phú khẩn trương điều tra xác minh vụ việc. Qua điều tra, công an xác định, người đàn ông trong video là Trần Hiệp Hải (SN 1989, ngụ quận 11, tạm trú quận Tân Phú). Nạn nhân trong vụ việc là Nguyễn Thị Ngọc Trang (SN 1993, thường trú quận 11, bạn gái của Hải). Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do mâu thuẫn tình cảm.
Hành vi bạo lực của Trần Hiệp Hải khiến dư luận phẫn nộ. Tuy nhiên, hành động của cô gái lại khiến dư luận bất ngờ. Thời điểm bị bạn trai đánh, cô gái không phản kháng gì. Hơn nữa, khi công an quận Tân Phú lập hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật thì nạn nhân lại nạn nhân không yêu cầu công an xử lý hình sự Hải. Do vây cơ quan công an chỉ xem xét xử phạt hành chính đối tượng trên.
Bi chong, ban trai danh nhung khong truy cuu: Phu nu tu bien minh thanh nan nhan den bao gio?
 Hình ảnh ghi lại cảnh người đàn ông đánh đập bạn gái trong thang máy chung cư tại TP HCM khiến dư luận bức xúc.
Dư luận không đồng tình với các hành xử của cô gái bởi hành vi bạo lực của nam thanh niên không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề pháp luật. Với hành vi côn đồ, coi thường tính mạng, xâm hại thân thể sức khỏe của người khác, đối tượng này có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích.
Hành vi này khiến dư luận vô cùng bức xúc khi tình trạng bạo hành phụ nữ thời gian qua liên tục gia tăng. Bộ LĐ,TB&XH đã vào cuộc chỉ đạo Bộ LĐTB&XH chỉ đạo phòng chuyên môn của Sở và Phòng LĐTB&XH quận Tân Phú kiểm tra, xác minh thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm người gây bạo lực, để cùng đấu tranh, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Cho thấy đây không còn là việc của cá nhân mà của toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi sức khỏe phụ nữ.
Tuy nhiên, việc cô gái không tố giác, không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ dẫn đến việc thực thi pháp luật, việc bảo vệ, đấu tranh phòng chống bạo lực đối với phụ nữ bị ảnh hưởng.
Bởi, tội cố ý gây thương tích khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do vậy, để xử lý hình sự về tội danh này, cơ quan điều tra căn cứ vào việc nạn nhân có đơn tố cáo, trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích để xử lý. Trường hợp nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự, đồng nghĩa là không làm đơn tố cáo nên cơ quan công an không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe.
Nhận định về việc cô gái không yêu cầu xử lý hình sự đối tượng hành hung mình, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có lẽ do cô gái có quan hệ và bị ràng buộc bởi tình cảm với đối tượng nên không yêu cầu xử lý hình sự.
Tuy nhiên, với hành vi côn đồ của đối tượng thể hiện con người cục cằn, thô lỗ, thiếu tôn trọng phụ nữ như vậy mà người phụ nữ cứ cam chịu không đề nghị pháp luật xử lý thì chắc chắn sẽ có nhiều trận đòn trong tương lai và hậu quả sẽ không biết như thế nào.
Những trận đòn sẽ thường trực đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người phụ nữ này và của những người khác. Bởi vậy, nếu người phụ nữ này không lên tiếng thì có thể đó là sự dung túng cho cái ác. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần có những can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra trong tương lai.
Điều đáng quan ngại, đây không phải lần đầu tiên những nạn nhân bị bạo hành, đánh đập không yêu cầu xử lý hình sự đối tượng chồng, bạn trai đã đánh đập họ. Bởi thời gian qua đã có quá nhiều những nạn nhân cam chịu, dù bị đánh đập thậm tệ. Vụ việc điển hình nhất là vụ chồng bạo hành vợ xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội. Dù bị chồng là một võ sư tại Long Biên đánh đạp thậm tệ khi đang bế con nhỏ nhưng sau đó người vợ đã rút đơn tố cáo không yêu cầu xử lý hình sự người chồng này.
Nhiều vụ việc chồng đánh vợ, bạn trai đánh người yêu từng gây xôn xao, bức xúc dư luận. Nạn nhân ban đầu lên tiếng nhưng sau đó vì quan hệ vợ chồng, vì "hết tình còn nghĩa" mà rút đơn, không truy cứu... Vô hình chung việc này khiến họ tự biến mình thành nạn nhân hết lần này đến lần khác và tình trạng bạo hành không thuyên giảm dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Dù biết rằng, đối với phụ nữ thường sống thiên về tình cảm. Ai cũng muốn có cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Với những người phụ nữ đang yêu dù bị đánh đập nhưng do họ vẫn còn tình cảm với người bạo hành họ nên muốn cho bạn trai cơ hội để sửa chữa sai lầm.
Với những người phụ nữ đã có gia đình, không ít người khi bị chồng bạo hành thường nín nhịn để giữ mái ấm gia đình, hạnh phúc cho con cái...
Tuy nhiên, cuộc sống gia đình có hạnh phúc hay không, tình cảm nam nữ có bền vững hay không phải do cả hai bên vun đắp, biết nhường nhịn, chia sẽ, giúp đỡ và thông cảm với nhau trong cuộc sống. Với những người đàn ông đã không coi trọng gia đình, không coi trọng người phụ nữ khi yêu, thường xuyên có hành vi bạo hành thì sự cam chịu của những người phụ nữ cũng không thể gìn giữ được hạnh phúc lâu bền.
Thực tế, khi đã không còn tình cảm, người chồng, bạn trai lại có tính vũ phu thì sự cam chịu không phải là một giải pháp cho hạnh phúc gia đình.
Nhiều vụ bạo hành xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ nhặt như không nấu cơm, không chăm con, đi làm về muộn, ghen tuông…người chồng cũng nhẫn tâm hành hạ vợ với những trận đòn khủng khiếp.
Không chỉ bạo hành về thể xác, nhiều người phụ nữ còn bị bạo hành về tinh thần. Thậm chí từ những hành vi bạo hành không được can thiệp đúng lúc dẫn đến những vụ án mạng thương tâm hoặc người vợ vì bạo hành về tinh thần dẫn đến việc phải tự vẫn. Người chồng sau đó phải trả giá bằng bản án của pháp luật hoặc án lương tâm nhưng tất cả đều quá muộn mạng.
Bạo hành, bạo lực gia đình không thể, ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu nếu chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong khi các nạn nhân không thực sự quyết liệt mạnh mẽ để đấu tranh. Bởi khi pháp luật không được thực thi nghiêm khắc tương xứng với những hành vi, những kẻ gây ra bạo lực không thể nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi của mình.
Mới đây, trong vụ việc người chồng ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh bạo hành vợ dã man bằng dây nịt, ép quan hệ tình dục, người vợ đã mạnh mẽ gửi đơn yêu cầu xử lý hình sự người chồng đã nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Bởi chỉ khi người phụ nữ - nạn nhân của các vụ bạo hành mạnh mẽ lên tiếng, yêu cầu xử lý hình sự thì mới có hi vọng triệt tiêu được tình trạng bạo hành gia đình, vốn là vấn đề nhức nhối dư luận trong suốt thời gian qua.
Mời quý độc giả xem video Phẫn nộ thanh niên liên tục đánh người phụ nữ trong thang máy:
  
Hành vi đánh dã man bạn gái trong thang máy có thể truy trách nhiệm hình sự, nếu…
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi xem clip về việc cô gái bị hành hung, bị đánh đập tàn nhẫn trong thang máy có lẽ nhiều người sẽ rất phẫn nộ, bức xúc bởi hành vi côn đồ của người đàn ông. Cô gái không hề có phản ứng tự vệ vậy mà người đàn ông vẫn liên tục đánh vào mặt cô gái này, ngoài ra người đàn ông này còn có hành vi đập phá thang máy. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích và Tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì với hành vi cố ý gây thương tích mà thương tích chỉ đủ để xử lý theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự, (thương tích từ 11 % đến 31 % hoặc dưới 11 % nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1 của điều này) thì cơ quan điều tra chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi người bị hại có đơn yêu cầu và sẽ đình chỉ giải quyết khi người bị hại rút đơn.
Bởi vậy, trong trường hợp này nếu thương tích của nạn nhân chưa đến mức xử lý theo khoản 2, điều 134 Bộ luật hình sự thì bắt buộc phải có đơn yêu cầu của người bị hại thì cơ quan điều tra mới xử xem xét xử lý hình sự đối với người đàn ông này.
Trong trường hợp cô gái bị đánh đập nhưng không có đơn tố cáo thì cũng không có căn cứ để cơ quan điều tra xử lý người đàn ông này về hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, với hành vi cố ý gây thương tích mà không có đơn đề nghị xử lý hình sự, chưa đến mức xử lý hình sự, chưa đủ căn cứ xử lý hình sự thì người đàn ông này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Có lẽ người đàn ông này và người phụ nữ có quan hệ tình cảm, có sự ràng buộc về tình cảm hoặc tài sản nên có thể người phụ nữ sẽ không có đơn đề nghị xử lý hình sự đối với gã đàn ông này. Nhiều khả năng với hành vi cố ý gây thương tích, gã đàn ông chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định nêu trên.
Tuy nhiên với những con người cục cằn phải thô lỗ, thiếu tôn trọng phụ nữ như vậy mà người phụ nữ cứ cam chịu không đề nghị pháp luật xử lý thì chắc chắn sẽ có nhiều trận đòn trong tương lai và hậu quả sẽ không biết như thế nào, những trận đòn sẽ thường trực đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người phụ nữ này và của những người khác. Bởi vậy nếu người phụ nữ này không lên tiếng thì có thể đó là sự dung túng cho cái ác. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần có những can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra trong tương lai.
Đối với hành vi đập phá thang máy thì hành vi này rất dễ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản (nếu giá trị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên).
Trong vụ việc này, cơ quan, tổ chức là chủ sở hữu tài sản có quyền đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ giá trị thiệt hại của thang máy để xem xét xử lý người đàn ông này theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thiệt hại với thang máy (chi phí sửa chữa...) từ 2.000.000 đồng trở lên thì ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, người đàn ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố y làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Hành động của người đàn ông này thể hiện tính chất côn đồ, manh động cao độ, coi thường sức khỏe, tài sản của người khác. Bởi vậy, cần phải có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Tâm Đức