Bị đòi nợ xuyên Tết, giờ tới 'lệnh truy nã' bất ngờ

Google News

Nhiều độc giả phản ánh họ bị những đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin "hành" ngày đêm, thậm chí gửi cả lệnh truy nã.

Nội dung tin nhắn “lệnh truy nã” giả mạo đã được nhắn đến điện thoại người dân, nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã, đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện.

Không chỉ gửi tin nhắn lệnh truy nã, trước đó, người dân cũng nhận được không ít tin nhắn, cuộc gọi thông báo về hành vi vi phạm pháp luật. Bạn đọc Nguyễn Thanh khang phản ánh: “Tôi vừa nhận được cuộc gọi từ số 00181905832839 báo là vi phạm luật giao thông đường bộ, tôi tắt máy không nghe vì tôi không có vi phạm gì”.

Bi doi no xuyen Tet, gio toi 'lenh truy na' bat ngo

Một tin nhắn truy nã gửi tới người dân.

Còn bạn Thành Nguyễn cho hay, cả đợt Tết Nguyên đán vừa qua, ngày nào bạn cũng nhận được cuộc điện thoại thông báo mình đang nợ một khoản tiền lớn, yêu cầu phải trả ngay. “Từ đầu tháng Chạp, ngày nào cũng có người gọi cho tôi hàng chục cuộc đòi nợ. Tôi chặn số này thì lại có số khác gọi, “nã” không trừ ngày nào, kể cả Mùng 1, Mùng 2 Tết. Trong khi đó, tôi không vay mượn của ai. Cả Tết vừa rồi, tôi khốn khổ. Nghe thấy có điện thoại reo là thấy bất an. Tôi không dám nghe điện thoại của người lạ”.

Một bạn đọc khác chia sẻ, tin nhắn đe dọa thường được gửi tới những người vay tín dụng đen quá hạn chưa trả và những người có trong danh bạ điện thoại của người vay. Chính vì thế, dù nhiều người không vay nợ vẫn nhận được thông báo vay. Bên cho vay sẽ gây rối, làm phiền những người thường xuyên liên hệ với “con nợ”, khiến cho người vay phải tìm mọi cách để trả tiền. Một số đối tượng thì dọa dẫm người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bạn đọc có nickname Tư Sài Gòn cho rằng: “Các nhóm lừa đảo, cho vay nặng lãi lộng hành khiến xã hội bất ổn. Bộ Công an phải truy tìm ra các băng nhóm này để người dân có cuộc sống bình yên”.

“Tôi nghĩ trách nhiệm của công an không dừng ở việc trả lời theo quy định pháp luật mà còn phải xử lý hành vi vi phạm này theo quy định pháp luật để đảm bảo bình yên cho nhân dân”, bạn đọc có nickname Danque bày tỏ.

Bạn tên Quang bức xúc: “Người dân bị lừa liên tục trên mạng trong mấy năm nay, đọc báo thấy thỉnh thoảng có người bị lừa hàng tỷ, hàng trăm triệu. Người dân đã phản ảnh mà sao nó vẫn diễn ra? Cơ quan nhà nước cần có biện pháp để bảo vệ người dân”.

Đáp lại ý kiến của bạn Quang, bạn Ke Van Diem viết: “Cái này chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ quan chức năng bởi lòng tham của chúng ta quá lớn. Bọn tội phạm lợi dụng lòng tham để kiếm tiền. Nếu tất cả chúng ta nghĩ rằng, không có cái gì cho không, không làm thì không có tiền chạy vào túi thì tội phạm không có cơ hội để lộng hành”.

Cách nào để ngăn chặn?

Bạn đọc Nguyễn Anh đặt câu hỏi: “Hết đòi tiền điện thoại, phạt nguội, "buôn ma túy", giờ lại truy nã,... Cơ quan chức năng không chặn được nguồn phát tán tin nhắn hay sao?”

“Nhà mạng cũng phải có trách nhiệm kiểm soát vấn đề này, không để bị lợi dụng để tống tiền khách hàng được?”, bạn Trần Hà nêu quan điểm. 

Nguyễn Duy cho rằng: “Có thể truy tìm ra cuộc gọi lừa đảo qua mạng khi nhà cung cấp viễn thông và công an hợp tác điều tra. Nhưng nếu băng nhóm tội phạm hoạt động ở nước ngoài thì khó truy bắt lắm. Khi công an truy vết thì họ đã giải tán hoặc di dời đi nơi khác, đổi mới thiết bị để tiếp tục công việc lừa đảo. 

Chính vì thế, việc cần làm trước nhất đó là người dân phải có những kỹ năng để bảo vệ bản thân và gia đình. Thứ nhất, không tham gia vào việc vay nặng lãi. Thứ hai, hết sức cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ dọa dẫm, yêu cầu phải gửi tiền, gửi mã OTP…

Theo Thành Huế /Vietnamnet