Bị giữ bằng tốt nghiệp 30 năm, có được trường bồi thường?

Google News

Theo luật sư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phải có trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại phát sinh nếu có cho ông Hảo khi bị giữ bằng tốt nghiệp 30 năm.

Ban Nội chính Trung ương mới đây có văn bản gửi TAND Tối cao đề nghị giải quyết sự việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tòa án ở Hà Nội chậm trễ xử lý yêu cầu đòi trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bồi thường thiệt hại.
Bi giu bang tot nghiep 30 nam, co duoc truong boi thuong?
Ông Hảo phản ánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1989 nhưng đến năm 2019 mới được nhà trường trả bằng.
Theo ông Hảo, suốt thời gian dài Trường Đại học Kinh tế quốc dân giữ bằng tốt nghiệp và các giấy tờ gốc có liên quan của ông. Sau khi bị ông Hảo khởi kiện, năm 2019 tại tòa án, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trả bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ gốc cho ông Hảo. Thời gian qua, ông Dương Thế Hảo nhiều lần đề nghị Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính thông tin trên bằng tốt nghiệp đại học của mình. Ông Hảo khẳng định tốt nghiệp đại học năm 1989, nhưng nhà trường nhầm lẫn, ghi tốt nghiệp năm 1994. 
Sau khi nhận được giấy tờ, ông Hảo tiếp tục yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường thiệt hại, tổn thất về tinh thần cho mình. TAND quận Hai Bà Trưng đã mời ông Dương Thế Hảo và đại diện Trường Đại học Kinh tế quốc dân tới trụ sở để hòa giải, nhưng không thành công. Sau đó sự việc rơi vào im lặng, khiến ông Hảo phải gửi đơn thư tới Ban Nội chính Trung ương và TAND Tối cao. Liên quan đến sự việc, lãnh đạo TAND Tối cao đã có ý kiến đề nghị Chánh án TAND TP Hà Nội xem xét phản ánh của ông Dương Thế Hảo về việc mở phiên tòa giải quyết yêu cầu được bồi thường thiệt hại do Trường Đại học Kinh tế quốc dân gây ra.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự việc ông Dương Thế Hảo không được trả bằng cử nhân đúng thời hạn có thể thấy rất rõ có sự sai sót khi thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công của các cán bộ, viên chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Bi giu bang tot nghiep 30 nam, co duoc truong boi thuong?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Theo luật sư Hùng, căn cứ theo quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP, viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc hoàn toàn phải có trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại phát sinh nếu có cho ông Hảo do lỗi của cán bộ, viên chức của mình gây ra.
Ngoài ra, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy căn cứ theo quy định pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh có các điều kiện như: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của người khác. Nếu ông Dương Thế Hảo có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh các thiệt hại của mình khi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ bằng cử nhân như thiệt hại về sức khỏe, tinh thần; thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín; thu nhập thực tế bị mất;... thì hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, ông Hảo có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận không thành, ông Hảo hoàn toàn có thể khởi kiện một vụ án mới để yêu cầu Tòa án giải quyết, yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường thiệt hại cho mình. Tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015, quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm".
>>> Xem thêm video: 55 người làm bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để làm Tiến sĩ

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt