Bị vợ phụ tình
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi vụ án đau lòng của Tống Văn Bình (SN 1975) khép lại, những người dân xã Lương Phú C (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì hung thủ trước đó là một người cha tận tụy hết lòng vì con cái. Chỉ vì một phút nông nổi mà Bình đã ra tay đoạt mạng “tình địch” của mình, kết thúc giấc mơ hạnh phúc gia đình đang ấp ủ với “người trong mộng”.
Trong ngôi nhà tranh vách đất ông Tống Văn L (cha của Bình) mỗi khi nhắc đến người con trai tù tội mà nấc lên không rõ tiếng: “Thằng Bình số kiếp nó khổ quá cô ơi. Người vợ đầu thì tự dưng bỏ nhà đi biền biệt, để lại cho nó ba đứa con thơ sống cảnh gà trống nuôi con trong nghèo túng. Mấy cha con, ông cháu cứ thế rau cháo nuôi nhau cho qua ngày, nó cũng không vì thế chán nản mà lo làm nuôi con. Rồi một ngày nó bảo có quen một người phụ nữ ở xã bên, có thể làm người mẹ tốt cho tụi nhỏ. Tôi cũng mừng thay cho nó, nào ngờ”.
Nhắc đến Bình, người dân trong ấp không ai không khỏi xót xa. Bình vốn là người hiền lành, siêng năng làm lụng nuôi vợ con. Nhưng lấy vợ sinh con rồi, cuộc sống của anh cứ mãi đắm trong sự nghèo khó, chật vật khi tiền làm thuê ít ỏi không đủ nuôi 6 miệng ăn. Cũng có lẽ chính vì điều này mà người vợ đã bỏ cha con anh ra đi không một lời từ biệt.
Từ ngày vợ bỏ đi, anh buồn rầu, chán nản, chìm trong men rượu. Nhưng nhìn vào ba đứa con thơ dại líu ríu gọi cha, đứa con gái đầu đang lâm bạo bệnh không cất nổi thành lời, anh như bừng tỉnh. Thế là, anh lại lao đầu vào công việc nhiều hơn trước như để quên đi nỗi đau mà người vợ nhẫn tâm để lại. Cứ thế, ròng rã hơn 1 năm trời, anh gầy, tiều tụy đi vì vật lộn với vết thương lòng và cuộc sống mưu sinh “gà trống nuôi con”.
Trong màu sắc ảm đạm của cuộc sống “làm cha đơn thân”, trái tim anh bỗng loạn nhịp lần nữa bởi một người phụ nữ cũng từng “đứt gánh” giống anh. Một lần đi chơi cùng nhóm bạn, anh đã trao riêng ánh mắt tình tứ cho Phạm Thị Nga (SN 1980, trú tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo).
Hai con người đồng cảnh ngộ đã nhanh chóng phải lòng nhau, cùng “chắp vá” vết thương lòng cho nhau vì cuộc hôn nhân đổ vỡ trước kia. Vậy là, chỉ sau 15 ngày hò hẹn, chị Nga đã về ra mắt gia đình anh Bình, cùng chăm sóc những đứa trẻ thơ dại và ốm đau một cách chu đáo. Anh nhìn chị cùng các con mà ngập tràn hạnh phúc. Những lời hẹn ước, nguyện thề cùng nhau xây dựng hạnh phúc, họ đã cùng mơ về một tổ ấm sắp sửa không còn xa. Không lâu sau, ba đứa con của Bình cũng yêu thương chị Nga như mẹ ruột, chúng không còn nhắc đến tên người mẹ phụ bạc khi xưa nữa.
Nhưng niềm hạnh phúc “tập hai” của anh chưa được bao lâu thì gặp phải sự ghen tuông quyết liệt của Hưng, gã tình cũ của chị Nga. Dù bị Trần Lê Hưng thường xuyên tìm đến nói chuyện “phải quấy”, hăm dọa nhưng anh vẫn giữ thái độ bình tĩnh tiếp chuyện. Nhưng khi anh càng nhân nhượng thì Hưng lại được đà lấn tới với thái độ hung hãn gấp bội. Trong thế tự vệ chống trả, anh đã vô tình đoạt mạng kẻ phá hoại gia đình.
|
Tống Văn Bình hầu tòa. |
Vì phút thiếu kiềm chế
Sau khi lỡ tay giết người, Bình phải nhận bản án thích đáng. Tuy nhiên, bản án tinh thần lớn nhất của anh là những đứa con thơ dại của anh bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi, chỉ dựa vào người cha già chăm sóc. Có lẽ điều anh luôn mong mỏi là tìm kiếm một người phụ nữ làm mẹ cho các con mình nay đã thành điều quá xa vời. Trong phút chốc, anh đã biến thành kẻ sát nhân. Và những đứa con anh, chúng giờ đây như bầy chim non bơ vơ giữa cuộc đời dông bão. Đặc biệt, đứa con gái đầu lâm bạo bệnh, đã không thể chờ đến ngày người cha từ sau song sắt trở về chăm nom.
Trong ngôi nhà tranh vách đất lợp bằng lá dừa của ba ông cháu, lạnh lẽo hơn khi không thể che nổi cơn gió đầu mùa. Khói nhang trên bàn thờ có di ảnh cô con gái đầu của anh Bình khiến căn nhà càng thêm trống vắng, tĩnh mịch. Ngước nhìn lên nhìn di ảnh, ông L ngậm ngùi bảo: “Từ khi thằng Bình vào tù, bệnh tình con bé vì thế cũng nặng thêm. Trước khi mất, ngày nào nó cũng nhắc đến ba, đòi đi thăm ba. Tôi nhìn cháu mà ứa nước mắt. Con bé còn bảo tôi nhất định phải mang nó đi theo thăm ba một lần. Tôi còn chưa kịp thực hiện nguyện vọng cho nó mà đã ra đi sớm như vậy”.
Lấy vạt áo lén quệt dòng nước mắt, ông L nghẹn ngào nói tiếp: “Con bé mất rồi nhưng mỗi lần vào thăm, tôi cũng không dám mở lời cho thằng Bình biết. Sợ nó buồn tủi mà không yên tâm cải tạo tốt. Nhưng không thể giấu kín mãi được, những cán bộ trong trại cũng đã hay tin cho nó biết rồi. Lần sau lên thăm, chỉ thấy nó len lén chực khóc mà không biết nói gì. Nó còn bảo tôi yên tâm, nó sẽ cố gắng cải tạo tốt để về chăm sóc các con và người cha già này”.
Ngôi nhà lá cũ giờ đây chỉ còn người ông đầu bạc và hai đứa cháu. Nhìn đứa cháu gái đang hì hục thu vén ngoài hiên nhà, ông cụ bất giác mỉm cười: “Không có cha mẹ bảo ban nhưng may mắn cả hai chị em nó đều ngoan ngoãn, học giỏi cô ạ. Tôi cũng được an ủi phần nào. Thấy tôi đi làm về mệt, là mỗi đứa một tay, đứa quạt, đứa bưng nước uống. Tôi nhìn vậy mà mừng mừng tủi tủi”. Từ ngày trụ cột chính trong gia đình là anh Bình rơi vào vòng tù tội, ba ông cháu sống nhờ vào mảnh vườn sau nhà. Ông bảo, trước thì trồng trái cây, nay thì mùa nào rau nấy, ông cháu cũng vừa ăn vừa bán lấy tiền, cùng nhau đắp vá sống cho qua ngày đoạn tháng.
Khi nhắc đến mẹ, đứa con út của anh Bình sụp đôi mắt xuống: “Con không biết mẹ ở đâu. Hôm chị Hai mất, mẹ về một lúc rồi đi ngay, con chưa kịp ôm mẹ được một lần. Mẹ không thương tụi con nữa rồi”. Với hai đứa trẻ ấy, mỗi kỳ họp phụ huynh hàng tháng, hai chị em lại len lén ôm nhau khóc khi không được như bao bạn bè cùng trang lứa.
Nhưng trước mặt ông nội, các bé lại dặn nhau không được khóc, sợ ông buồn thêm. Hai đứa trẻ lại tất bật với việc chăm con gà, con vịt, tưới cây,… như để khỏa lấp vết thương trong lòng. Đáng lẽ, ở lứa tuổi này, các em phải được hưởng sự chăm sóc, vòng tay yêu thương của cha mẹ trong vô lo, vô nghĩ thì giờ đây, phải đương đầu với bao sóng gió nghiệt ngã khi mới chập chững bước vào đời. Và có lẽ điều khiến anh Bình hối hận và day dứt cả đời là không được ở bên cạnh khi cô con gái trút hơi thở cuối cùng. Giấc mơ hạnh phúc cùng người vợ mới cùng các con thơ bỗng chốc tan tành. Kèm theo đó là số tiền bồi thường cho gia đình bị hại mà người cha già ở nhà không thể cáng đáng nổi.
Ngày 12-11-2012, tại quán giải khát tại ấp Long Hòa A (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho), Trần Lê Hưng gặp Tống Văn Bình và yêu cầu Bình không được quan hệ tình cảm với Nga nữa nếu không sẽ “tính sổ”, sau đó cả hai cùng đi về.
Đến 13g cùng ngày, sau khi uống bia xong, Hưng cùng ba người bạn đến quán giải khát trong ấp uống nước thì gặp Bình đang ngồi bàn bên cạnh nên kêu Bình qua bàn của mình nói chuyện. Sau cuộc nói chuyện lần thứ hai, Hưng nổi cơn ghen, đè đầu Bình xuống, lấy chai nước ngọt đánh khiến đầu Bình chảy máu. T
rong thế chống trả, Bình chạy vào quán lấy con dao rồi đâm một nhát khiến tình địch tử vong ngay sau đó. Ngày 28-5-2013, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt Tống Văn Bình 8 năm tù giam về tội giết người.
Theo Thủy Liên/Phapluatxahoi