3 cụ bà hết sức đặc biệt đó hiện đang sinh sống tại xóm 3, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Người dân trong vùng không ai là không biết đến các cụ Lê Thị Thoại, Lê Thị Mưu và cụ Lê Thị Mùi bởi họ đều đã sống thọ trên trăm tuổi. “Người nhiều nhất đã là 109 tuổi, người ít cũng đã 101 tuổi rồi”, người phụ nữ chỉ được cho chúng tôi biết.
Người thân cho biết, các cụ có 7 người anh em nhưng đã mất 4 người. Cùng sống trong một xóm nên tình cảm của các cụ rất khăng khít. Ngày trước, các cụ tự đi lại thăm nhau thường xuyên nhưng nay do tuổi cao, sức yếu nên phải nhờ con cháu dẫn đi.
Ba chị em, ba hoàn cảnh khác nhau, hiện nay con cháu đều đã trưởng thành, các cụ đã có từng đàn cháu, chắt, chút và cả chít nữa.
“Dù đã 109 tuổi nhưng mẹ tôi vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Bà sống rất ngăn nắp, sạch sẽ và rất thích làm việc chân tay. Chúng tôi thì lo mẹ tuổi cao làm sẽ mệt nhưng hễ nhà vắng người là mẹ lại ra vườn quét dọn, nhặt củi ngay”, bà Vũ Thị Lưu con dâu cụ Lê Thị Thoại cho biết.
|
Ba chị em cụ Thoại, cụ Mưu, cụ Mùi trò chuyện vui vẻ với nhau. |
Hơn 50 năm làm dâu cụ Thoại nhưng bà Lưu chưa từng thấy mẹ chồng mình cáu bẳn, cụ đối với con cháu luôn nhẹ nhàng và hết sức tình cảm. Trong nhà, mỗi khi có xích mích gì, cụ Thoại luôn dùng những câu thơ để răn dạy nên con cái rất đoàn kết.
Thua chị cả 2 tuổi nên năm nay bà Lê Thị Mưu đã 107 tuổi. Trong ba chị em thì cụ Mưu là mẹ Việt Nam anh hùng và là người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Chồng mất khi tham gia chiến đấu chống Pháp ở Yên Bái khi cụ đang mang thai người con út. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì con cả của cụ Mưu hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B.
Ông Lê Anh Đào con trai cụ Mưu kể lại: "Bố hy sinh nơi chiến trường khi tôi còn chưa kịp chào đời. Để nuôi mấy anh em chúng tôi, có thời điểm mẹ phải gửi anh em tôi cho dì Mùi, dì Thoại để đi mót ngô, khoai mãi bên huyện Đô Lương".
Là em út nhưng đến nay cụ Lê Thị Mùi cũng đã 101 tuổi. Lưng dù đã còng nhưng cụ Mùi vẫn còn rất minh mẫn. “Cụ ấy vẫn còn nhớ và nhận ra hết người trong làng đó. Chỉ mới đây do sức khỏe dần yếu đi nên cụ ít ra ngoài chứ vài năm trước là cụ ấy còn chống gậy đi chơi khắp đó”, bà Nguyễn Thị Loan cho biết.
Bí kíp “trường thọ”
Trong ba chị em thì cụ Thoại có 3 người con, 15 người cháu, 31 người chắt và 2 chút. Cụ Mưu có 4 người con, 10 cháu, 20 chắt và 2 chút. Cụ Mùi hiện có 10 người cháu và 13 người chắt.
Đông con cháu nhưng gia đình các cụ lúc nào cũng yên ấm khiến nhiều người khâm phục. Nhiều người cũng tò mò và cho rằng các chắc cụ có “bí kíp” gì đó để sống lâu. Khi được hỏi, các cụ đều cười xòa và cho rằng không có bí kíp gì cả.
“Làm gì có bí kíp nào, ngày trước đói khổ nên chỉ có khoai sắn và rau xanh mà no bụng”, cụ Mưu cho biết. Ngoài ra, các cụ đều không uống bia rượu hay nước ngọt gì vì không thích những đồ uống đó.
|
Chế độ ăn uống của 3 cụ đều có nhiều rau xanh, củ quả và "nói không" với chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt. |
Về chế độ ăn uống hiện nay, các cụ cũng cho biết, hoàn toàn không có gì đặc biệt vì con cháu ăn gì thì cụ ăn thế đó. Điều đặc biệt nhất là các cụ ít khi ốm đau phải đi bệnh viện hay uống thuốc.
Trong cuộc sống thường ngày, các cụ rất yêu đời, sống lạc quan, hiếm khi bực dọc, quát tháo người khác. “Có lần tôi cũng hỏi, mẹ có cách gì để mạnh khỏe không, mẹ tôi cười rồi nói không có gì cả. Có lẽ tâm lý sống thoải mái, lạc quan là cách để mẹ tôi và các dì sống thọ cùng con cháu”, ông Đào chia sẻ.
“Cụ Thoại, cụ Mưu và cụ Mùi là những người có tuổi thọ nhất nhì trong làng. Các cụ đều sống rất giản dị, lạc quan. Gia đình, con cháu các cụ đều đoàn kết và thương yêu lẫn nhau”, ông Lê Doãn Lộc, phó Chủ tịch UBND xã Lý Thành chia sẻ.
Hình ảnh 3 cụ già da dẻ nhăn nheo nhưng vẫn nói chuyện, cười đùa với nhau khiến nhiều người thấy vui lây. Việc sống thọ, sống tình cảm của ba cụ đều được con cháu trong họ và trong làng noi theo.
Theo TN - TH/ ANTĐ