Bí mật trong ngôi chùa Tổng thống Obama từng đặt chân đến

Google News

Khi vừa đặt chân đến TP HCM, Tổng thống Obama đã đến thẳng điện Ngọc Hoàng - ngôi chùa nổi tiếng cầu tự làm nhiều người dân Sài Gòn thắc mắc.

Xuất hiện chớp nhoáng tại chùa
Do thông tin được công bố từ trước, ngay từ sáng ngày 24/5, con đường Mai Thị Lựu trước cổng điện Ngọc Hoàng (hay còn gọi là Phước Hải tự, Q.1) đã xuất hiện nhiều người dân tập trung đón Tổng thống Mỹ. Từ lúc này, chùa đã được đóng cổng niêm phong, canh gác chặt chẽ để đảm bảo an ninh. Buổi trưa, trời nắng gắt, hàng ngàn người vẫn đổ về đứng chật kín các ngả đường dẫn vào chùa. Lực lượng bảo vệ đoàn phải dựng hàng rào thép gai hai bên đường để giữ gìn trật tự. Mặc cho cơn mưa đột ngột đầu giờ chiều, nhiều người vẫn kiên trì đứng đợi.
Bi mat trong ngoi chua Tong thong Obama tung dat chan den
Khi được trụ trì Thích Minh Thông đón, ông Obama cư xử rất ra dáng một Phật tử. 
Cuối giờ chiều, đoàn xe đưa Tổng thống Obama viếng điện Ngọc Hoàng mới xuất hiện. Tiếng reo gọi tên Obama vang lên rộn rã. Vẫn với phong thái quen thuộc, ông bước ra khỏi xe, vẫy tay chào và đi nhanh vào bên trong điện. Xung quanh, đặc vụ Mỹ vây kín. Lúc này, các tòa nhà cao tầng xung quanh được yêu cầu đóng kín cửa. Người dân nhanh trí trèo lên tầng thượng nhìn xuống, mong được tận mắt nhìn thấy người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Để có mặt trong chùa, chỉ một số ít PV ngoài việc được cấp thẻ đặc biệt, còn phải chịu sự kiểm tra gắt gao của an ninh Việt Nam và đặc vụ Mỹ. Từng thiết bị mang vào như máy quay, máy ảnh, túi, thậm chí bút cũng được giám sát.
Theo quan sát, sau khi được trụ trì Thích Minh Thông đón, ông Obama cư xử rất ra dáng một Phật tử. Mặc dù theo đạo Thiên Chúa, nhưng trước bàn thờ, ông vẫn “nhập gia tùy tục”, chắp tay thành kính. Sau một vài phút thực hiện các bước ghi hình, tất cả đều được yêu cầu ra ngoài, nhường không gian yên tĩnh lại cho ông Obama và đại diện nhà chùa trao đổi.
Nhìn biểu cảm của vị Tổng thống Mỹ, có thể nhận thấy ông tỏ ra khá thích thú với kiến trúc cổ, đặc biệt là những bức tượng, liễn gỗ được chạm trổ tinh tế.
Thường ngày, điện Ngọc Hoàng luôn có nhiều Phật tử giúp người dân tại mỗi phòng thờ khác nhau. Tuy nhiên, khi ông Obama viếng thăm, chỉ duy nhất hòa thượng trụ trì tiếp đón. Những Phật tử khác đều được yêu cầu ra ngoài. Do đó, Tổng thống Mỹ chỉ trao đổi ngắn gọn tại trước chánh điện. Lát sau, ông tham quan nhanh một vài điểm đặc biệt trong chùa.
Sau hơn 15 phút ngắn ngủi, đoàn hộ tống đã nhanh chóng đưa Tổng thống Mỹ ra cổng, lên chiếc xe “quái thú” và lập tức đến một điểm làm việc khác đang đợi. Đặc biệt, trước khi lên xe, người đàn ông quyền lực nhất thế giới nhìn thấy sự yêu mến của người dân tại đó nên cười tươi, liên tục vẫy tay và nói “cám ơn” bằng tiếng Anh.
Chuyến viếng thăm này quá nhanh chóng khiến nhiều người dân đoán già đoán non về mục đích của ông Obama. Nếu để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi chùa thì có lẽ phải mất vài giờ đồng hồ. Thế nên nhiều người tin rằng ông Obama đến ngôi chùa nổi tiếng về cầu tự này để cầu nguyện một điều gì đó hết sức riêng tư.
Nơi nhiều cặp vợ chồng thỏa nguyện “xin” con
Không có con số xác thực việc đã có bao nhiêu người thành tâm khấn nguyện xin con tại đây và được thỏa mong ước. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, ngôi chùa cổ này là địa điểm lui tới thường xuyên của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Phần lớn những người hiện đang điều trị vô sinh tại TP.HCM, bên cạnh việc tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ, họ còn rỉ tai nhau tìm đến ngôi chùa này để cầu xin.
Được biết, trước đây người cầu tự thường mua một con rùa nhỏ được người dân bán trước cổng. Con rùa sau đó sẽ được thả phóng sinh trong một hồ nước bên phải chánh điện.
Phần lớn những người hiện đang điều trị vô sinh tại TP.HCM, bên cạnh việc tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ, họ còn rỉ tai nhau tìm đến ngôi chùa này để cầu xin
Theo ghi nhận của PV, hiện nhà chùa đã phải treo biển ngưng tiếp tục phóng sinh rùa vào hồ này do số lượng đã vượt quá mức độ cho phép. Điều đó cho thấy, số lượng người cầu tự tìm đến đây hàng năm nhiều vô kể. Khi PV đến thăm, vẫn có nhiều người phụ nữ đứng cạnh hồ, mắt nhìn đăm chiêu vào những chú rùa đang bơi dưới nước với vẻ mặt u buồn.
Nhiều người xung quanh chia sẻ, nhìn là biết những người này đã làm hết các thủ tục, nhưng vẫn chưa thỏa nguyện có con. Vì thế, họ thường thăm hồ nuôi rùa phóng sinh, như tìm lại con rùa mình đã viết tên lúc cầu khấn. Thế nhưng, đa phần những chiếc mai rùa đều lên rêu, hoặc không còn nhìn thấy dấu vết từng viết chữ.
Hỏi một người trong chùa về cách cầu tự, người phụ nữ lớn tuổi (xin giấu tên theo yêu cầu của chùa) nói: “Khi đến xin con nên đi cả hai vợ chồng. Chùa chỉ khuyến khích thắp 3 nén nhang. Còn việc lạy thì cứ thành tâm lạy vị chư thần nào mình thích. Riêng việc cầu tự là phải đến phòng Kim Hoa thánh mẫu và xin 12 bà mụ".
Bà lý giải: “Theo quan niệm, Kim Hoa thánh mẫu là vị thánh chuyên coi sóc việc sinh đẻ ở chốn nhân gian. Dưới chân vị thánh mẫu là 12 bà mụ ngồi 2 bên. Mỗi bà sẽ có nhiệm vụ nắn tay, nắn chân, nắn mắt, nắn mũi...vv. Do đó, mỗi cặp vợ chồng khi vào xin con thì lấy một sợi chỉ đỏ đeo tay rồi thắp hương khấn nguyện xin con. Xin con trai thì đeo chỉ đỏ vào các bức tượng bên phải, nữ thì bên trái. Tiếp theo, người vợ xoa bụng bà mụ 3 cái rồi xoa bụng mình 3 cái. Tiếp tục xoa bụng đứa con nít dưới chân bà mụ 3 cái rồi xoa tiếp bụng mình 3 cái. Thực hiện nghi thức này xong, sẽ có người của chùa châm dầu vào các ngọn đèn. Người này châm dầu, vừa đọc to tên tuổi, điều người cầu tự khấn nguyện”.
Nhiều người có mặt tại chùa chia sẻ với PV, đã tới đây là phải thực sự thành tâm. Những ai mà còn hoài nghi thì đừng đến. Vì Thánh mẫu và các mụ chỉ thỏa nguyện cho những người đặt niềm tin trọn vẹn ở họ.
Đặt câu hỏi, nhờ đâu việc cầu tự tại điện Ngọc Hoàng “tiếng lành đồn xa” nhiều năm qua? Bà trả lời, nếu để ý sẽ thấy, người đến vái lạy ở phòng cầu tự ngoài những cặp vợ chồng xin con, thì có rất nhiều những thai phụ đã lúp xúp bụng.
Ngoài ra, điện Ngọc Hoàng còn là nơi nổi tiếng để cầu duyên
“Họ là những người đã từng đến đây xin con, sau khi thụ thai thì thường xuyên trở lại để bày tỏ lòng thành và tiếp tục cầu xin các mụ bảo vệ đứa con”. Theo những người tại chùa kể lại, câu chuyện từ những người phụ nữ đạt ước nguyện cứ thế lan truyền ngày một rộng. Nhờ vậy, lượng người tìm đến cầu tự ngày càng lớn.
Ngoài ra, điện Ngọc Hoàng còn là nơi nổi tiếng để cầu duyên. Bởi lý do này, chùa là điểm dừng chân của rất nhiều cô gái trẻ. Bên ngoài, cây si lớn chừng 10 người ôm vươn cao, tỏa tán lá rộng che rợp mát cả khoảng sân phía trước chùa. Đàn bồ câu quen người dạn dĩ đậu, bay trước sân càng tạo khung cảnh dễ chịu.
Mỗi năm, tháng Giêng là thời điểm điện Ngọc Hoàng đông đảo người đến chiêm bái nhất. Theo ghi nhận của chúng tôi, với phong cách kiến trúc cổ và không gian xanh, yên bình, đây còn là điểm khám phá văn hóa độc đáo của du khách phương Tây.
>>> Mời quý độc giả xem video Những chuyến công du triệu đô của ông Obama (nguồn VTC):
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô